Nhà giàu chuộng trái phiếu ngân hàng

(ĐTCK) Trái phiếu dành cho khách hàng cá nhân, do Techcombank hoặc các doanh nghiệp khác phát hành, lãi suất rất cao so với lãi tiền gửi tiết kiệm hiện nay, có mệnh giá 1 tỷ đồng.
Mới triển khai từ 26/12/2014, TCBS đã bán thành công hơn 200 tỷ đồng trái phiếu cho khách hàng ưu tiên của Techcombank. Mới triển khai từ 26/12/2014, TCBS đã bán thành công hơn 200 tỷ đồng trái phiếu cho khách hàng ưu tiên của Techcombank.

Hút vốn bằng “chiêu độc”

Trước xu hướng lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm liên tục trong thời gian qua, trong khi các lựa chọn đầu tư vào thị trường nhà đất vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và dấu hiệu phục hồi của TTCK còn chậm chạp, việc lựa chọn kênh đầu tư có tính an toàn cao nhưng vẫn có mức sinh lời tốt là bài toán không dễ thực hiện. Gần đây, nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết, họ quan tâm đến chương trình Trái phiếu Techcombank (TCB).

Theo giới thiệu của CTCK Techcombank (TCBS), họ đang thực hiện phân phối trái phiếu linh hoạt là chương trình đầu tư dành cho các khách hàng cá nhân ưu tiên của TCB. Cụ thể, khách hàng có thể đầu tư và sở hữu trái phiếu của nhiều doanh nghiệp phát hành trên thị trường trong nước, trong đó có cả trái phiếu của TCB.

Đây là lần đầu tiên trên thị trường, các NĐT cá nhân có cơ hội được sở hữu trái phiếu của ngân hàng. Trái phiếu mua qua TCBS có lợi tức cao, đặc biệt là kỳ hạn đầu tư linh hoạt, với thời gian đầu tư là 12 tháng, được tất toán linh hoạt hàng tháng mà không cần đăng ký trước kỳ hạn khi đầu tư.

Mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng, quy mô đầu tư tối thiểu 1 trái phiếu. Khách hàng có thể gia hạn đầu tư tối đa thêm 1 năm khi hết 1 năm nắm giữ trái phiếu…

Một số nhà đầu tư không phải là khách hàng ưu tiên của TCB cho biết, họ được nhân viên TCB chào sản phẩm trái phiếu do doanh nghiệp phát hành với mệnh giá 1 tỷ đồng. Lãi suất là 8,5%/năm, kỳ hạn 2 năm, có thể lĩnh lãi hàng tháng.

Rõ ràng là so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm linh hoạt hiện nay trung bình là 4,5 - 5,5%/năm, các sản phẩm trái phiếu trên có tính ưu việt rất lớn. Thực chất, đây không khác gì một khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, mà lại được lãi suất cao.

Theo công bố của TCBS, sản phẩm do họ phân phối mới được giới thiệu từ 26/12/2014 mà đã bán thành công hơn 200 tỷ đồng cho khách hàng ưu tiên của TCB. 

Chứng khoán bị cạnh tranh

Không phải đến giờ thị trường mới xuất hiện sản phẩm trên. Trước đây, nhằm thu hút khách hàng lớn có giá trị tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên, Ngân hàng VPBank đã chào sản phẩm trái phiếu cũng do Tập đoàn Masan phát hành.

Nhà đầu tư mua trái phiếu (qua hình thức ký hợp đồng) thông qua CTCK VPBS, được hưởng lãi suất cao hơn hẳn so với mặt bằng chung trên thị trường, chỉ với một điều kiện nữa là, không được tất toán trước hạn (tối thiểu là 1 tháng).

Chương trình này, theo nhân viên một phòng giao dịch của VPBank, thu hút khá đông khách hàng. Sản phẩm trái phiếu trên cũng đã được nhiều ngân hàng nước ngoài áp dụng tại Việt Nam, hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp.

Nếu như tiền gửi tiết kiệm chịu quy định về trần lãi suất thì trái phiếu ngân hàng hoặc doanh nghiệp không bị “siết” vòng kim cô này (Điều kiện về lãi suất áp dụng với các trái chủ theo quy định hiện hành là dòng cổ tức (lợi nhuận) năm trước cao hơn hoặc bằng lãi suất trái phiếu). Còn so với kênh đầu tư chứng khoán, những nhà đầu tư chọn mua trái phiếu ngân hàng được tối ưu hóa thuế thu nhập cá nhân khi không bị đánh thuế tiền lãi…

Rõ ràng là để thu hút và giữ chân khách hàng lớn, trong đó có những nhà đầu tư lắm tiền, các ngân hàng đang tung ra nhiều chiêu mới, với những sản phẩm được thiết kế khá tiện lợi. Thị trường chứng khoán nếu không phát triển tốt và bền vững, sẽ không dễ cạnh tranh thu hút được nhà đầu tư.            

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ