Y tế phát triển bền vững: PPP và chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã cho thấy những bất cập của ngành y tế, đòi hỏi ngành này phải tăng cường đổi mới và đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các dự án PPP, mang lại tiềm năng đầu tư cho y tế. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các dự án PPP, mang lại tiềm năng đầu tư cho y tế.

Pháp lý là mấu chốt

Đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế được Nhà nước khuyến khích thực hiện từ nhiều năm nay, do ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 64% nhu cầu vốn phát triển cơ sở hạ tầng y tế.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện cơ chế kết hợp công - tư về nhân lực và thương hiệu trong lĩnh vực y tế; xây dựng cơ chế hợp tác đầu tư giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, giữa các bệnh viện công”.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019, Việt Nam có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất. Trong đó, 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, chỉ có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các dự án PPP, mang lại tiềm năng đầu tư cho y tế và cải thiện một phần cơ sở vật chất của các bệnh viện, phòng khám.

Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công tư - Thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 18/5/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, mặc dù y tế là lĩnh vực tiềm năng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Giải thích cho sự phát triển không đạt kỳ vọng, các thành viên thị trường nhìn nhận, nhiều vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý tồn tại bấy lâu đã khiến quá trình tham gia đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước bị cản trở.

Trong quá trình triển khai dự án PPP, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam cần có khung pháp lý phù hợp hơn để thúc đẩy PPP trong lĩnh vực y tế và phát huy tiềm năng của hình thức đầu tư này.

Bên cạnh đó, chính sách và các vấn đề trong quá trình thực thi chính sách là một trong những yếu tố làm suy yếu khả năng dự đoán và tính bền vững cần thiết để hỗ trợ quyết định đầu tư. Chẳng hạn, mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập đã được Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán (MDD) triển khai nhiều năm, nhưng chưa được quy định về mặt pháp lý, mặc dù đã có văn bản thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội cho mô hình này.

Ngoài ra, chi phí kinh doanh cao hơn theo năm đối với các công ty dược đa quốc gia có tác động không nhỏ đến niềm tin đầu tư.

KPMG Việt Nam dẫn chứng, có cơ hội để các công ty dược phẩm đa quốc gia chi tới 2% tổng chi tiêu cho đầu tư và phát triển (R&D) toàn cầu tại Việt Nam, nhưng rất khó thiết lập các thử nghiệm lâm sàng và thành lập doanh nghiệp mới.

“Nếu Việt Nam có thể hợp lý hóa các quy định hiện tại, cơ hội phát triển sẽ rộng mở hơn nữa trong tương lai”, ông Luke Treloar, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam khẳng định.

Bà Trần Thị Lan Hương, Giám đốc Y khoa Nhánh Dược phẩm, Bayer Việt Nam cho rằng, việc xây dựng môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch, hỗ trợ cho tiếp cận, cung ứng sản phẩm và giải pháp y tế lâu dài, toàn diện là rất quan trọng, giúp tăng sự cạnh tranh của ngành y tế Việt Nam.

Việc này không chỉ giúp nhu cầu chăm sóc y tế gia tăng trong nước, mà còn giúp hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao trong khu vực, từ đó thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ngành một cách có hệ thống.

Vì mục tiêu y tế bền vững

Bên cạnh PPP, dưới góc nhìn của mỗi doanh nghiệp còn nhiều yếu tố khác góp phần vào mục tiêu chung là phát triển bền vững nền y tế.

Một hệ thống y tế bền vững là hệ thống y tế cải thiện được sức khỏe con người và tối thiểu hóa tác động tiêu cực đến môi trường.

Đại diện AstraZeneca Việt Nam, ông Phương Lê Trí, Giám đốc điều hành Y khoa cho rằng, một hệ thống y tế bền vững là hệ thống y tế cải thiện được sức khỏe con người và tối thiểu hóa tác động tiêu cực đến môi trường, trên cơ sở đó bảo vệ con người và cộng đồng.

“Chúng ta biết rằng, đối với ngành công nghiệp y tế nói chung, vấn đề về hiệu ứng nhà kính, phát thải, khí carbon chiếm đến gần 4% tác hại, là một yếu tố bên cạnh xu hướng phát triển tốt hơn trong tương lai mà chúng ta không được quên những điều này”, ông Trí nói.

Đầu tháng 2/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo, sự xuất hiện thêm hàng chục nghìn tấn rác thải y tế để ứng phó với đại dịch Covid-19 đang làm gia tăng sức ép lên các hệ thống quản lý rác thải y tế toàn cầu.

Thực tế, từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021, WHO thống kê, có khoảng 1,5 tỷ bộ phòng hộ cá nhân (PPE), tương đương 85.000 tấn nhựa, được các cơ quan của Liên hợp quốc mua và phân phát đến nhiều nước, phần lớn số này đã trở thành chất thải y tế. Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu về quy mô vấn nạn rác thải y tế từ đại dịch, mà chưa tính đến các mặt hàng khác, như khẩu trang dùng một lần.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, người sáng lập Doctor Anywhere, việc phát triển bền vững nền y tế cần tập trung vào 2 vấn đề lớn. Một là đảm bảo chất lượng cuộc sống, làm sao để các hoạt động chăm sóc y tế tập trung đảm bảo chất lượng cuộc sống lâu dài, giúp tuổi thọ người dân tăng thêm, nhưng chi phí dịch vụ chăm sóc y tế giảm đi. Hai là, đảm bảo khả năng tiếp cận của mọi tầng lớp về các dịch vụ y tế.

Ông Phillip Alexander Wray, Tổng giám đốc DKSH Pharma Việt Nam chia sẻ, DKSH nhận thấy có 3 xu hướng chuyển đổi số sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững ngành y tế.

Thứ nhất, sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong các hoạt nghiên cứu, phân tích và phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trong thời gian ngắn.

Thứ hai, quy trình phân phối sẽ được hiện đại hóa mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự tiện lợi và nhanh chóng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm quan trọng trong việc khám chữa các bệnh chuyên khoa.

Thứ ba, chuyển đổi số trong quy trình khám chữa bệnh, hướng đến một quy trình số hóa hoàn toàn, bao gồm thăm khám trực tuyến, kê toa điện tử, bệnh án điện tử và thanh toán bảo hiểm điện tử.

Dịch Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng của chuyển đổi kỹ thuật số đối với việc chăm sóc sức khỏe bền vững ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Đại diện DKSH kỳ vọng, tương lai gần, xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số ngành y tế sẽ thể hiện trong cả ba lĩnh vực: phát triển sản phẩm, giao nhận và phân phối, trải nghiệm khám chữa bệnh.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục