Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) về tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của ngành dệt may, kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 39 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra, nhưng thặng dư thương mại đạt mức lớn nhất từ trước tới nay, với 17,7 tỷ USD.
Cụ thể, mức kim ngạch 39 tỷ USD trong năm 2019 đã tương đương với mức tăng trưởng 7,55% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu dệt may cả năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%.
“So với mốc 1999, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đã tăng trên 22 lần, từ 1,75 tỷ USD năm 1999 lên 39 tỷ USD. Thặng dự thương mại năm 2019 đạt 17,7 tỷ USD tăng 106,5 lần so với 185 triệu USD năm 1999. Kết quả xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm nay đóng góp quan trọng vào kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nêu con số so sánh về sự lớn mạnh về quy mô xuất khẩu của ngành.
Việt Nam đã ghi tên là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. Năm 2019, ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của nền kinh tế ghi nhận kết quả xuất siêu 16,62 tỷ USD.
Tại thời điểm này, ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho gần 3 triệu người lao động, chiếm 1/4 số lao động toàn ngành công nghiệp.
Năm 2020, thị trường dệt may toàn cầu vẫn chịu tác động từ thương chiến Mỹ-Trung, ngành dệt may đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 42 tỷ USD và phấn đấu đến năm 2025, con số này là 60 tỷ USD.
Theo đó, ngành dệt may phấn đấu xuất khẩu đạt 110 tỷ USD trong năm 2030 và đặt mục tiêu có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới.