Từ nhiều năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch ở Lào Cai diễn ra khá tấp nập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, từng bước cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới Việt- Trung. Tuy nhiên, hoạt động này đang nảy sinh một số bất cập, nhất là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm bẩn vào thị trường nước ta.
Xã Bản Khoa có 18 thôn bản, bao quanh thị trấn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Với 11 km đường biên giới, Bản Khoa còn có cửa khẩu phụ Bản Vược và Khu thương mại quốc tế Kim Thành. Những năm gần đây, hoạt động buôn bán qua đường tiểu ngạch ở xã Bản Khoa có lúc diễn ra sôi động, đời sống người dân được nâng lên nhờ các hoạt động dịch vụ ven biên giới. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển kinh tế là tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp.
Ông Lý Khánh Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Bản Khoa, huyện Bát Xát cho biết, năm 2015, xã đạt đủ hết 18 tiêu chí nông thôn mới, nhưng tiêu chí cuối cùng về an ninh trật tự không đạt nên không thể về đích theo yêu cầu.
“Buôn lậu tiểu ngạch đã nảy sinh những vấn đề tiêu cực, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. UBND xã cũng rất quyết liệt thành lập các đoàn tuần tra, kiểm tra nhũng giờ cao điểm kiên quyết đấu tranh tội phạm. Tuy nhiên, quy mô địa bàn rộng cùng tốc độ phát triển nhanh, lực lượng mỏng nên công tác quản lý an ninh trật tự gặp rất nhiều khó khăn”, ông Lâm cho biết.
"Các mặt hàng buôn lậu có nhiều thủ đoạn, người dân vận chuyển qua nhiều đường mòn, lối mở khác nhau nên rất khó quản lý, ông Trần Văn Hoàng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Lào Cai cho biết."
Theo báo cáo của Cục hải quan tỉnh Lào Cai, quý I năm nay số thu nộp ngân sách đạt trên 217 tỷ đồng, bằng 84% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua tiểu ngạch gần như bằng không, cho thấy nguồn thu từ xuất nhập khẩu tiểu ngạch tác động không đáng kể đến thu ngân sách từ các hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai.
Từ tháng 9/2015, phía Trung Quốc đóng cửa cấm không cho nhập khẩu hàng đông lạnh dạng tạm nhập, tái xuất đã kéo theo hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua đường tiểu ngạch cũng bị ách tắc, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết, công tác quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất là hoạt động xuất nhập khẩu bình thường theo thông lệ quốc tế. Mặc dù hải quan không thu được thuế vào ngân sách nhưng cũng tạo ra công ăn việc làm cho người dân, các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng có lợi nhuận.
Những năm qua ở Lào Cai có không ít doanh nghiệp, cá nhân đăng ký tham gia xuất khẩu tiểu ngạch, do thủ tục đơn giản không như qua đường chính ngạch. Điều này tạo thuận lợi về thủ tục, nhưng hoạt động này thường gặp rủi ro, nhất là ứ đọng về hàng hóa và các loại thực phẩm không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dễ dàng lọt qua biên giới, thẩm lậu vào nước ta.
Đáng lưu ý, cuối năm 2015 ở cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát có khoảng 500 - 600 container hàng đông lạnh tạm nhập nhưng không xuất được. Một câu hỏi được đặt ra là liệu có bao nhiêu container thực phẩm không xuất được đó đã thẩm lậu ngược vào thị trường nước ta?
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Lào Cai cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do lực lượng mỏng nên khó có thể kiểm soát hết các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta.
“Các cửa khẩu phụ có lực lượng chủ yếu là Hải quan, Biên phòng. Hàng hóa qua những cửa khẩu này cũng ít và không chính thống. Trong khi đó, các mặt hàng buôn lậu có nhiều thủ đoạn, người dân vận chuyển qua nhiều đường mòn, lối mở khác nhau nên rất khó quản lý”, ông Hoàng cho biết.
Thời gian qua, các hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch ít nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, do chính sách quản lý thương mại biên giới, mỗi khi phía Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch thì hàng hóa nông sản như gạo, sữa, dưa hấu... lại ứ đọng không xuất được.
Chính vì xuất nhập khẩu tiểu ngạch chứa đựng nhiều rủi ro và khó kiểm soát, nên đã có nhiều ý kiến đề xuất từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoạt động tiểu ngạch, tập trung cho hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch.
Ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, lối mở cửa khẩu phụ tạo điều kiện cho bà con xuất ngô, dứa, nông sản bình thường. Về lâu về dài, khi đời sống tăng lên, việc thực thi hiệp định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được đi vào quy củ, việc vận chuyển hàng hóa ngoài luồng, thậm chí vi phạm pháp luật chắc chắn phải dẹp bỏ.
Theo Cục Hải quan Lào Cai, trong 13 mặt hàng vi phạm quý I năm nay bị phát hiện, có tới 6 mặt hàng là thực phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc là thực phẩm bẩn, gồm 6 tạ chân lợn đông lạnh, hơn 3 tạ gà cay, 3 tạ xúc xích, chả cá và gần 1 tạ thịt lợn muối, thịt vịt đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phần lớn các mặt hàng này đều đi qua đường tiểu ngạch. Chính vì vậy những tồn tại trong xuất, nhập khẩu tiểu ngạch không chỉ ở Lào Cai mà ở cả các địa phương khác cần được xem xét, tháo gỡ.