Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước tăng 24,47 tỷ USD

7 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 141,86 tỷ USD tăng 20,8% tương ứng tăng 24,47 tỷ USD so với 7 tháng/2023.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước từ đầu năm 2024 tới nay khởi sắc, kim ngạch tăng thêm gần 24,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan vừa công bố.

Cụ thể, 7 tháng/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 141,86 tỷ USD tăng 20,8% tương ứng tăng 24,47 tỷ USD so với 7 tháng/2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 64,27 tỷ USD, tăng 20,9% tương ứng tăng 11,1 tỷ USD và nhập khẩu đạt 77,58 tỷ USD, tăng 20,8% tương ứng tăng 13,37 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp FDI trong 7 tháng/2024 đạt 298,6 tỷ USD, tăng 15,6% tương ứng tăng tới 40,19 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 163,21 tỷ USD, tăng 14,2%, nhập khẩu đạt 135,38 tỷ USD, tăng 17,3%.

Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực 7 tháng 2024 đều tăng trưởng ấn tượng.
Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực 7 tháng 2024 đều tăng trưởng ấn tượng.

Cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi đã tiếp sức cho xuất khẩu.

Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 đạt 36,24 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Tăng mạnh ở các nhóm hàng như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 703 triệu USD; hàng dệt may tăng 557 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 516 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 231 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 134 triệu USD; gạo tăng 128 triệu USD.

Lũy kế trong 7 tháng/2024, trị giá xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 31,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 7 tháng/2024 là 212,96 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng 33,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại xuất siêu 14,53 tỷ USD, thấp hơn 1,97 tỷ USD so với mức thặng dư 16,5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Các thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn của Việt Nam đều tăng lượng đơn hàng, nhờ đó xuất khẩu tăng 2 con số.

Tăng mạnh nhất là xuất khẩu sang Mỹ, đạt 66,40 tỷ USD, tăng tới 25%, tương ứng tăng 13,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 29% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 29,52 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 4,25 tỷ USD, sang Trung Quốc đạt 32,39 tỷ USD, tăng 5,8%, tương ứng tăng 1,77 tỷ USD, ASEAN đạt 21,02 tỷ USD, tăng 2,42 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 14,47 tỷ USD, tăng 1,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường có mức tăng ấn tượng, gồm Hồng Kông và thị trường các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Cụ thể, xuất khẩu sang Hồng Kông đạt 6,98 tỷ USD, tăng 40,6%, tương ứng tăng 2,01 tỷ USD, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đạt 3,37 tỷ USD, tăng 51,2%, tương ứng tăng 1,14 tỷ USD.

Dù kinh tế toàn cầu vẫn đối diện rủi ro khó đoán định, lạm phát vẫn là vấn đề của nhiều quốc gia, dư thừa công suất tại Trung Quốc đang gia tăng áp lực cạnh tranh với các nhà cung ứng Việt Nam, căn cứ vào kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2024 đạt 6% là hoàn toàn có thể.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục