Xuất khẩu vẫn nằm trong “cỗ xe tam mã”

0:00 / 0:00
0:00

Xuất khẩu vẫn là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là năm 2021, khi mà thương mại toàn cầu chưa thể phục hồi do Covid-19.

Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua hệ thống đường biển, hàng không. Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua hệ thống đường biển, hàng không.

Vẫn là động lực chính để phát triển kinh tế

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 mà không đặt chỉ tiêu xuất khẩu. Theo đó, Quốc hội vẫn thông qua 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021, nhưng lần đầu tiên, chỉ tiêu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với GDP, tăng trưởng xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu đã bị loại ra, dù nền kinh tế vẫn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

Tuy không đặt ra chỉ tiêu pháp lệnh cho hoạt động xuất khẩu, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, lập pháp, điều này không đồng nghĩa với việc tăng trưởng xuất khẩu bao nhiêu cũng được. Xuất khẩu cùng với vốn đầu tư toàn xã hội và tiêu dùng nội địa vẫn là “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế và là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội những năm sau này, đặc biệt là năm 2021, khi mà thương mại toàn cầu chưa thể phục hồi do đại dịch Covid-19.

Trong 10 tháng đầu năm, thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn ước đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Việt Nam đã xuất siêu 18,72 tỷ USD, góp phần quan trọng để tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay đạt khoảng 2%.

“Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước đã cho thấy hoạt động xuất khẩu đang dần phục hồi. Với đà này, năm nay, Việt Nam đạt kỷ lục về xuất siêu, là nhân tố vô cùng quan trọng để tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay hướng tới 3% như kỳ vọng”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại (Tổng cục Thống kê) nhận định.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc Quốc hội không đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội như mọi năm là bởi sức mua và cách thức tiêu thụ của các thị trường lớn đã thay đổi, kể cả Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga hay Hàn Quốc... Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu xem các thị trường lớn tiêu thụ mặt hàng thủy sản, gạo, cà phê, dệt may, da giày, rau quả… ra sao, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, thì mới đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để tăng trưởng xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp nội địa không chỉ hợp tác với nhau, mà phải hợp tác toàn diện, lâu dài với doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường lớn, củng cố niềm tin với đối tác.

Chưa khai thác được lợi thế vận chuyển

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đạt 10,5%/năm; cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt trong giai đoạn trước sang thặng dư liên tục kể từ năm 2016 và năm sau thặng dư cao hơn năm trước. Song sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới còn khiêm tốn do chi phí logistics quá cao.

So với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có lợi thế rất lớn xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống đường sắt. Tuy nhiên, hàng hóa của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu qua hệ thống đường biển, hàng không.

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Ban Kế hoạch kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để khai thác lợi thế, ngành đường sắt đã khai thác trọn gói các dịch vụ đi kèm như làm thủ tục hải quan, kho bãi, nên khách hàng không phải lo đến các vấn đề phát sinh như vượt tải trọng, thông quan tại cửa khẩu, kiểm dịch… Với mạng lưới đường sắt liên vận quốc tế, ngành đường sắt có thể đưa hàng hóa xuất khẩu vào sâu nội địa Trung Quốc, đến thị trường Ấn Độ, Nga, Ba Lan, Anh, Đức… và các lãnh thổ khác ở châu Âu.

“Tiềm năng phục vụ xuất nhập khẩu của ngành đường sắt rất lớn và có rất nhiều lợi thế để khai thác khi thực hiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Nam lên cửa khẩu biên giới (Đồng Đăng, Lào Cai) và ngược lại. Nhưng hiện mới chỉ có khoảng 1,8% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường sắt”, ông Nam nói.

Việt Nam là một trong số ít nước có thế mạnh về sản xuất nông sản, nhưng sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam rất yếu. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, là do xuất khẩu nông sản chủ yếu trông chờ vào ngành hàng không, hàng hải và đường bộ (xuất sang Trung Quốc). “Để tăng trưởng xuất khẩu nói chung, nông sản nói riêng, cần phải có chiến lược phát triển dịch vụ logistics”, ông Hùng đề xuất.

Quốc hội "chốt" 12 chỉ tiêu của năm 2021

Ngày 11/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với mức tăng GDP khoảng 6%. Các chỉ tiêu khác gồm: quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm…

Tại nghị quyết, Quốc hội nêu rõ các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm tới mà Chính phủ và các cơ quan liên quan cần thực hiện. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng…

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục