Tiếp tục tạo đột phá trong công tác lập kế hoạch
Hai cuộc họp trực tuyến liên tiếp, với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong 2 ngày 26-27/8. Một cuộc họp tương tự với các tỉnh Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ tiếp tục được tổ chức vào đầu tuần tới. Mục tiêu là để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 và năm 2021.
Như vậy, thêm một lần nữa, công tác lập kế hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đổi mới. Trước đây, vào thời điểm này hàng năm, các địa phương sẽ tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo về tình hình phát triển - kinh tế xã hội năm, chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Tuy nhiên, từ năm 2017, thấy cách làm kế hoạch cũ không còn phù hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị thay đổi, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, thì sẽ làm theo quy mô từng vùng.
“Làm như vậy không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, mà quan trọng hơn, để các địa phương trong vùng cùng nắm được tình hình chung, chia sẻ thông tin, nâng cao sự phối hợp trong điều hành, trong xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh kết nối giữa các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Thậm chí năm nay, công tác lập kế hoạch còn tạo được đột phá mới. Điều này xuất phát từ tính chất quan trọng của thời điểm hiện nay: các địa phương và cả nước đang chuẩn bị Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới, đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, tức là đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới.
Bởi thế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đã đến lúc phải xây dựng kế hoạch theo hướng “chủ động hoạch định tương lai” của mình. “Kế hoạch 2021-2025 phải đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa các thành tựu của giai đoạn 2016 - 2020, nhưng đồng thời cũng tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn để đưa ra các định hướng chiến lược, các giải pháp để phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, làm sao phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng nói.
Câu chuyện luôn được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đó là đã đến lúc cần mạnh dạn đặt ra một bài toán ngược. Tức là, đặt ra mục tiêu cao hơn so với thông thường và tìm cách để đạt được mục tiêu đó, thay vì chỉ đặt ra một mục tiêu “tầm tầm”, dựa trên lợi thế, tiềm năng vốn có. Có được mục tiêu rồi, việc lập kế hoạch đầu tư công cũng sẽ hiệu quả hơn, bởi phải xác định rõ đâu là vùng động lực, đâu là cực tăng trưởng để tập trung đầu tư, chứ không “rải mành mành”, dàn trải, gây phân tán nguồn lực, kém hiệu quả.
Có thể lấy ví dụ ngay từ Vùng đồng bằng sông Hồng. Thông tin được ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ước tính trong giai đoạn 2016 - 2020, GRDP của vùng này đạt 9,6%, cao gấp 1,4 lần so với bình quân chung của cả nước, bất chấp đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực tới việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm. Tuy nhiên, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng GRDP của 5 năm tới, con số chỉ được đề xuất ở mức 9-9,2%, thấp hơn con số đạt được của giai đoạn trước.
“Cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn để từ đó tìm giải pháp cho sự phát triển bứt phá, nhất là các địa phương như Hà Nội”, ông Trần Duy Đông cũng đã nói như vậy.
Thông tin từ UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đang xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP cho 5 năm tới là 7,5-8%.
Hóa giải thách thức
Có một điểm khó khăn trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 và năm 2021 ở thời điểm này, đó chính là kinh tế - xã hội năm 2020, năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 rất khó dự đoán. “Biến số” Covid-19 có thể khiến mọi dự báo về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội sẽ bị đảo lộn và do đó, rất khó để đưa ra các con số ước định cho giai đoạn tới.
Không chỉ thế, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công cho giai đoạn tới, còn phải dựa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, dựa vào số vốn đầu tư công trung hạn dự kiến được phân bổ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc lập quy hoạch, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu.
Chính vì thế, kiến nghị từ các địa phương trong cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều bắt đầu từ việc làm sao tính toán được mức tăng trưởng GRDP trong năm nay, cũng như sớm thông báo kế hoạch vốn giai đoạn 5 năm tới.
Các địa phương cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về đầu tư công, cũng như Nghị quyết số 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lập kế hoạch trúng và đúng.
“Chúng tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án dự kiến khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, cũng như sớm thông báo kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở để tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện”, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị.
Trong khi đó, từ đầu cầu Bắc Giang, lãnh đạo UBND tỉnh này kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Quyết định về quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời thông báo định mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương làm căn cứ hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện, giao kế hoạch đầu tư công năm 2021...
Tương tự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Văn Khánh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025…
Các đề xuất này đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương ghi nhận. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hiện nay, bản dự thảo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn tới đang được Bộ hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, thông qua. Các vấn đề liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang được tích cực rà soát, đánh giá để xây dựng kế hoạch cho 5 năm tới.
“Về xây dựng kế hoạch cho năm 2021, các địa phương cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về đầu tư công, cũng như Nghị quyết số 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương hướng dẫn.
Sẽ không dễ dàng cho các địa phương trong xây dựng kế hoạch cho 5 năm tới cũng như cho năm 2021. Nhưng dần dần từng bước, các thách thức sẽ được hóa giải, để các địa phương có được các bản kế hoạch trúng, đúng, trở thành “kim chỉ nam” cho cả giai đoạn 2021 - 2025.