Việt Nam xuất khẩu gần 1 tỷ khẩu trang y tế

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết tháng 9/2020, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 tỷ chiếc khẩu trang y tế các loại ra thị trường nước ngoài.
Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 tỷ chiếc khẩu trang y tế trong 9 tháng 2020 Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 tỷ chiếc khẩu trang y tế trong 9 tháng 2020

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 vừa quya, cả nước ta có hơn 70 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng 142,88 triệu chiếc, tăng 5,5% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã xuất khẩu 989 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại ra thị trường nước ngoài.

Điểm đến của khẩu trang y tế xuất khẩu là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Mặt hàng khẩu trang được đẩy mạnh xuất khẩu từ cuối tháng 4/2020, sau Nghị quyết 60 cho phép xuất khẩu không giới hạn số lượng. Từ đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành vật tư y tế liên tục gia tăng sản xuất. Nhưng đến nay, một số doanh nghiệp cho biết thị trường đã dần bão hòa khi nhu cầu sử dụng không còn quá cao, trong khi nguồn cung tăng vọt. Thậm chí, có đơn vị đã tuyên bố tạm dừng sản xuất khẩu trang để tập trung vào các mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn.

Ngoài khẩu trang y tế, một bộ phận doanh nghiệp dệt may cũng chớp thời cơ chốt đơn hàng và xuất khẩu được một lượng đáng kể khẩu trang vải, như May 10, TNG, Giovanni, Dệt kim Đông Xuân...

Thời gian qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ phòng dịch, với khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn, thời gian giao hàng ngắn. Thậm chí, một số doanh nghiệp dệt may đã nhận được khoản giải ngân từ gói tài chính toàn cầu trị giá 1 tỷ USD của Ngân hàng Standard Chartered.

Theo đó, ngân hàng này đã cung cấp cho Tổng công ty cổ phần Donagamex khoản tín dụng có hạn mức 70 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 triệu USD) làm vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải và áo bảo hộ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các thiết bị bảo hộ cá nhân trên toàn cầu.

Trước đó, tổ chức tài chính này đã cung cấp cho Tổng công ty May 10 khoản tín dụng có hạn mức 100 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,3 triệu USD, Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG (May Bắc Giang LGG) khoản tín dụng có hạn mức 63 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 triệu USD) làm vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất khẩu trang vải, đồ phòng dịch, nhằm đáp ứng nhu cầu trang thiết bị bảo hộ cá nhân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

Cả 3 doanh nghiệp kể trên đều là những doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, với quy mô sản xuất lớn, chuyên xuất khẩu hàng dệt may đi Mỹ, EU, Nhật Bản...

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục