Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, trong bối cảnh tình hình thị trường Israel có nhiều biến động khó khăn do tình hình an ninh chính trị bất ổn, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, có một thời gian thực hiện phong tỏa đất nước, cấm người nước ngoài nhập cảnh và thực hiện giãn cách xã hội, kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh...
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp Israel cho biết đang quan tâm tới việc nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, thiết bị và dụng cụ y tế đặc biệt là khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế phòng chống dịch cúm Covid-19... từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Trong tháng 5/2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 136,15 triệu USD, không tính máy móc, phương tiện, trang thiết bị an ninh, quân sự, bảo hộ lao động.... trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Israel đã dần khôi phục, trong khi nhập khẩu từ thị trường này tăng nhẹ so với tháng trước đó do ảnh hưởng của tình hình xã hội và đại dịch Covid-19.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 649,4 triệu USD. Cụ thể, xuất khẩu sang Israel giảm 17,9% trong khi nhập khẩu từ thị trường này lại tăng lên 419,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu do Việt Nam quay lại nhập khẩu các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện từ Israel với trị giá lớn và do đó góp phần làm cho Việt Nam nhập siêu 101,4 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2020.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, ngoại trừ các mặt hàng dệt may và cà phê tăng, còn lại hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Israel đều giảm so với cùng kỳ năm trước như thủy sản, giày dép các loại, hạt điều, điện thoại di động. Đây cũng là tình trạng và bối cảnh chung, thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch cúm Covid-19 xảy ra tại nhiều nước trên thế giới.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 11,09 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Hiện, Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 3 sau Mỹ, Italy đối với mặt hàng cá ngừ mã HS 03; đứng thứ 5, sau Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan và Ai Cập đối với mặt hàng cá ngừ mã HS 16.
Cùng với đó, xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh đạt 2,92 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước; mặt hàng mực đông lạnh đạt 1,94 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,01% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Israel đứng thứ 9 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực hàng đầu của Việt Nam sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Hongkong, Italy, Malaysia, Philipine, Mỹ và đứng trước Đài Loan. Đối với xuất khẩu mặt hàng cá tra đạt 1,35 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,24% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 48 trong số trên 100 thị trường Việt Nam đã có XK thủy sản sang đó.
Hiện nay, một số doanh nghiệp Israel đang quan tâm tới mặt hàng cá tra fillet, lương thực thực phẩm đóng hộp, hàng dệt may và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này vào Israel trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp Israel đã và đang quan tâm, giao dịch, ký kết một số đơn hàng nhập khẩu các mặt hàng như khẩu trang y tế, găng tay y tế, quần áo bảo hộ y tế... với các doanh nghiệp Việt Nam. Về nhập khẩu, hầu hết các mặt hàng như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, rau củ quả đều giảm, trong khi mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng mạnh và làm cho Việt Nam nhập siêu từ Israel với trị giá tương đối lớn trong 5 tháng đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công hệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, dịch chuyển đầu tư và các chuỗi hoạt động sản xuất sang Việt Nam.