Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm vào một số thị trường lớn như Trung Quốc không giảm nhiều, thậm chí còn tăng mạnh tại Nhật Bản và Mỹ nhờ doanh số bán tôm phân khúc bán lẻ tăng cao, giúp kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng 1,8% so với cùng kỳ 2018.
“Tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu, lại đang ở mức giá rẻ nên nhu cầu tiêu thụ khá ổn định. Mặt khác, tình hình chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có chiều hướng tốt lên, một số nước nhập khẩu tôm chính khác cũng đang thực hiện các gói kích cầu…, giúp tháo gỡ phần nào khó khăn về đầu ra.
Theo đó, các doanh nghiệp tôm Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu nhu cầu tăng trở lại khi dịch bệnh được khống chế với kỳ vọng giá sẽ tăng theo”, đại diện VASEP nói.
Dự báo về xu hướng giá tôm và hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này thời gian tới, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đưa ra 2 kịch bản: Thứ nhất, nếu dịch Covid-19 kéo dài, sức cầu giảm, giá tôm sẽ không tăng, nhưng cũng không giảm nhiều vì mức cung giảm; thứ hai, khi dịch bệnh được kiểm soát ổn thoả trong quý II, nhu cầu tôm trở lại bình thường, giá tôm sẽ tăng lên.
“Hiện nay, do dịch bệnh diễn ra ngay đầu vụ, cộng với điều kiện thời tiết không thuận lợi nên việc thả giống tôm nuôi chậm lại. Ðiều này dẫn đến giá tôm trong nước biến động trồi sụt do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5 tới”, ông Lực lưu ý.
Tuy nhiên, đánh giá tình hình chung, lãnh đạo FMC cho rằng, tác động của dịch tới giá tôm không quá mức lo ngại khi người nuôi tôm đã có nhiều kinh nghiệm, linh hoạt trong thả nuôi.
“Dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, nhưng giá tôm khả năng sẽ giữ được sự ổn định do cung giảm. Theo tôi, xu thế giá tăng sẽ chiếm ưu thế hơn”, ông Lực nhận định.
Số liệu của FMC cho thấy, riêng trong tháng 2, doanh nghiệp này đã xuất khẩu 937 tấn tôm thành phẩm, đạt doanh thu 10,7 triệu USD.
Ðể chuẩn bị cho vụ mùa chính, cũng như đón đầu nhu cầu hồi phục sau dịch bệnh và xu hướng tăng xuất khẩu vào EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lãnh đạo FMC cho biết, Công ty sẽ tăng thả giống tại các trại tôm trong thời gian tới.
Có chung nhận định tác động từ dịch đối với mặt hàng tôm là không quá lớn, ông Lê Văn Ðiệp, Thành viên HÐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cho rằng, hiện chưa vào chính vụ tôm nên tình hình quý I không quá căng thẳng.
“Vụ tôm chính kéo dài từ cuối tháng 6 đến hết tháng 12, nếu kiểm soát được dịch trong thời gian này thì ngành tôm sẽ không chịu tác động lớn. Ngược lại, nếu các thị trường lớn trên thế giới vẫn chưa khống chế được dịch thì việc xuất khẩu sẽ còn khó khăn, cho dù Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Ðiệp nhìn nhận.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2020, ông Ðiệp cho biết, doanh số của MPC giảm khoảng hơn 10%, cho dù vẫn đảm bảo xuất khẩu sang các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc.
“MPC chuyên làm các mặt hàng tôm chế biến sâu, nên dù xuất khẩu giảm, nhưng các sản phẩm này vẫn được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng, cũng như trên kênh online”, ông Ðiệp nói và thông tin thêm, bên cạnh khách hàng cũ, Công ty cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm và ký hợp đồng với khách hàng mới để đảm bảo đơn hàng thời gian tới.
Theo thống kê từ VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% và đứng thứ 2 về nhập khẩu tôm của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận sự tăng trưởng với giá trị kim ngạch gần 132 triệu USD, tăng 8,4%. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường trọng điểm khác như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4%.