Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2018. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào việc duy trì xuất siêu, hướng tới cán cân thương mại bền vững.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN). Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Xuất khẩu của doanh nghiệp nội tăng 17,8%

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2018 ước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,63 tỷ USD, tăng 14% và khu vực có vốn đầu tưnước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,57 tỷ USD, tăng 4,5%.

Điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản với động lực chính là đóng góp của mặt hàng dầu thô khi kim ngạch tăng 110,5% so với tháng 4/2018.

Như vậy, sau 5 tháng, xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với với khối doanh nghiệp FDI là một trong những điểm sáng đối với hoạt động xuất khẩu.

Đi vào chi tiết, đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, sau 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 15% so với cùng kỳ 2017, đạt 66,6 tỷ USD.

Mặc dù vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào khối doanh nghiệp FDI, theo đó khối FDI đang chiếm tới 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, nhóm hàng công nghiệp chế biến do khối FDI chiếm tỷ lệ cao đã đóng góp tới 76,5 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,8%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,2%; hàng dệt và may mặc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 13,3%...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 5 ước đạt 19,7 tỷ USD, tăng14,5% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số sản phẩm tăng mạnh như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,1%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 22,4%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày tăng 20,7%...

Tính đến hết tháng 5/2018, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 89,7 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 36,82 tỷ USD, tăng 10,4%; nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 52,88 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, sau 5 tháng, cả nước vẫn xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Tuy vậy, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 10,39 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,78 tỷ USD.

"Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư được ghi nhận là một trong những điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018. Đây là dấu hiệu đáng khích lệ nhằm đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô," đại diện Vụ Kế hoạch cho hay.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao ảnh 1

 Biểu đồ xuất khẩu một số mặt hàng trong 5 tháng

Tín hiệu tích cực từ thị trường

Nói về động lực giúp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm 2018, theo Bộ Công Thương là nhờ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU, Trung Quốc…

Trong khi đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2018 và 2019, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% (mức cao nhất trong 6 năm).

Bên cạnh sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, giá hàng hóa thế giới tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2018 cũng là yếu tố tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, có 10/16 mặt hàng có giá xuất khẩu tăng trong 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó có thể kể tới như mặt hàng gạo tăng 25,6%, hạt điều tăng 3,2%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 43,6%, dầu thô tăng 32,8%…

Ở khía cạnh khác, việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và EU tăng trưởng cao hơn trong những tháng đầu năm 2018 cho thấy sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực theo hướng có chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu từ các thị trường khó tính có đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa.

Đánh giá của Bộ Công Thương ghi nhận, công tác phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu đang đem lại những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường có nhiều tiềm năng.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường có nhiều tiềm năng cũng ghi nhận những dấu ấn nhất định và đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung (5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Nam Á tăng 62,9% so với cùng kỳ năm 2017 trong đó Ấn Độ tăng 91,3%,...).

Diễn biến này cho thấy việc khai thác, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tránh phụ thuộc vào một nhóm thị trường chủ lực phần nào đã có những hiệu quả nhất định.

Ngoài ra, điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang chủ động hơn trước diễn biến của thị trường cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong những năm vừa qua, phát triển xuất khẩu đã đi theo đúng định hướng chiến lược bền vững. Cơ cấu hàng xuất khấu đã có sự chuyển biến tích cực, giảm xuất khẩu các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản, những ngành kinh tế trọng điểm đã được cải thiện, nâng cao.

Về thị trường xuất khẩu, đã có sự cải thiện đáng kể. Hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là đối với các nhóm ngành hàng lớn như:

9 nhóm ngành hàng lớn của nông lâm nghiệp đã khẳng định được vị thế ở tất cả các thị trường thế giới với kim ngạch nhiều tỷ USD, riêng các sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD đã có 28 ngành hàng, trên 5 tỷ USD có 8 ngành hàng.

Điều này cho thấy, chiến lược hội nhập, tham gia hội nhập quốc tế của chúng ta rất đúng hướng và kịp thời, đặc biệt là với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hàng loạt các đối tác thương mại song phương và đa phương.

Song song với đó, chất lượng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu đang ngày càng được cải thiện đi cùng với sự phát triển về thương hiệu của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Tư lệnh ngành công thương, vẫn còn tồn tại một số vấn đề lớn tác động đến xuất khẩu cũng như phát triển kinh tế. Cụ thể là chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo được sự đồng nhất và ổn định, gây trở ngại lớn cho chúng ta xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam như nông sản vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, đặc biệt là một số thị trường phát triển nóng như Trung Quốc, EU…

Chính vì vậy, để tăng trưởng bền vững, đặc biệt đối với các sản phẩm thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản, cần phải nâng cao chất lượng, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, động vật.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục