Theo số liệu thống kê về tình kinh sản xuất kinh doanh của ngành dệt may, tháng 8/2014 sản lượng sản xuất quần áo mặc thường ước đạt 274,6 triệu cái, tăng 8,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 23,3 triệu m2, tăng 3,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 67,4 triệu m2, tăng 13,0%.
Tính chung 8 tháng, quần áo mặc thường tăng 10,0%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 3,1%. 8 tháng năm 2014, ngành dệt may tăng trưởng khá (đây là tháng thứ 3 liên tiếp ngành dệt may vượt qua mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện để trở thành ngành đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam).
Tháng 8 năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 2,150 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 13,65 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa nhằm giảm nhập siêu nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng hàng dệt may xuất khẩu và hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác tiếp tục thúc đẩy sử dụng sản phẩm của nhau.
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng trang bị quần áo bảo hộ lao động do Tập đoàn Dệt May và các doanh nghiệp thành viên sản xuất, ngược lại Tập đoàn Dệt may sẽ tăng cường tiêu thụ xăng dầu, xơ và sợi do Tập đoàn Dầu khí cung ứng, từ đó giảm bớt nhập khẩu, từng bước tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, chủ động được một phần nguồn nguyên liệu trong nước và giảm nhập siêu cho nền kinh tế.