Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 40 tỷ USD
Xuất khẩu tháng 9 đã chững lại, khi kim ngạch chỉ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 3,74 tỷ USD so với tháng 8.
Tháng 9 ghi nhận những “nốt trầm” trong sản xuất và hoạt động thương mại trước tác động của bão Yagi, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, cũng như cung ứng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global công bố giảm từ 52,4 điểm trong tháng 8 xuống 47,3 điểm trong tháng 9 vừa qua.
Dẫu chững lại, song kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vẫn đạt xấp xỉ 300 tỷ USD, tăng 15,4% (tăng khoảng 40 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 3,29 tỷ USD, chiếm 1,1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến 263,47 tỷ USD, chiếm 87,9%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 25,64 tỷ USD, chiếm 8,6%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,23 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Vượt qua nhiều khó khăn về thị trường, hoạt động ngoại thương đã hỗ trợ lớn cho tăng trưởng, với xuất khẩu 9 tháng tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%.
Nhu cầu bên ngoài tăng, đơn hàng cải thiện đã thúc đẩy nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất 9 tháng tăng thêm 41,14 tỷ USD.
Ngành điện tử duy trì được phong độ nhờ vào cầu tiêu dùng vẫn đang lên. Nhờ đó, 9 tháng qua, máy tính - linh kiện mang về gần 52,8 tỷ USD, tăng 27,4%; xuất khẩu điện thoại và linh kiện gần 42 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Cộng gộp 2 ngành tốp đầu đóng góp tới 94,8 tỷ USD.
Tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 22,1%, doanh thu 37,8 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 12,7 tỷ USD, tăng 21,5%...
Còn xuất khẩu dệt may 9 tháng ước đạt 27,4 tỷ USD, xơ sợi trên 3,26 tỷ USD, nguyên phụ liệu các loại trên 1 tỷ USD. Toàn ngành dệt may đem về doanh thu khoảng 32 tỷ USD.
Sơ bộ 7 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất (máy tính, điện thoại, máy móc, thiết bị, dệt may, giày dép, đồ gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng) đạt kim ngạch xuất khẩu 200 tỷ USD sau 9 tháng.
Các thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn trên toàn cầu vẫn tín nhiệm cao khi tăng mạnh lượng đơn đặt hàng các nhà cung ứng Việt Nam. Trong 9 tháng qua, Mỹ nhập khẩu 89,4 tỷ USD hàng “made in Việt Nam”, tăng 27,4% so với cùng kỳ; EU nhập khẩu 38,1 tỷ USD, tăng 17%; ASEAN là 27,6 tỷ USD, tăng 13%; Hàn Quốc 18,9 tỷ USD, tăng 7%; Trung Quốc 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ…
Thận trọng khi rào cản thương mại gia tăng
Trong quý IV/2024, nếu duy trì được mức xuất nhập khẩu 70 tỷ USD/tháng, thì xuất nhập khẩu cả năm sẽ đạt 788-789 tỷ USD; còn nếu đạt kết quả thực hiện như tháng 9, thì xuất nhập khẩu cả năm đạt 776-777 tỷ USD.
Trao đổi về tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2024, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định: “Thị trường xuất khẩu lớn chưa thể phục hồi hoàn toàn, nhưng đơn hàng xuất khẩu dự kiến được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU… cải thiện vào dịp mua sắm dịp cuối năm, với nhiều lễ hội lớn”.
Dự báo, mục tiêu xuất khẩu dệt may 44 tỷ USD trong năm 2024 của ngành dệt may có thể đạt được, nhưng áp lực nhất với ngành này là thời gian giao hàng, đơn giá chưa cải thiện, yêu cầu chất lượng sản phẩm khắt khe hơn.
Trong khi đó, với ngành sợi, mặc dù đã giảm lỗ 80-85% so với năm 2023, nhưng bất lợi với doanh nghiệp là phải đối mặt với sự trồi sụt của giá bông và chưa có sự cải thiện về giá bán sợi… Xuất khẩu dự kiến sẽ về đích đúng hẹn, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ khó duy trì vì đơn giá giảm, trong khi chi phí đầu vào (lương, điện nước, chi phí tuân thủ…) tiếp đà tăng.
Thị trường xuất khẩu quý IV/2024 vẫn đang trên đà phục hồi, tạo dư địa cho các ngành hàng xuất khẩu nước ta trong chặng đường về đích, nhưng theo Bộ Công thương, sự phục hồi này chưa chắc chắn và không đồng đều. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Canada, ASEAN… đang đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Tại Canada, thị trường đang được các ngành hàng xuất khẩu khai tác tốt nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng rào cản thương mại xuất hiện nhiều hơn.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada lưu ý: “Thương vụ nhận được các thông tin bên lề sẽ có cuộc điều tra mới liên quan sản phẩm nội thất văn phòng bọc vải của Việt Nam và có thể Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) sẽ tiến hành điều tra sản phẩm tháp điện gió và tấm pin năng lượng mặt trời xuất khẩu từ Việt Nam”.
Một số sản phẩm khác có nhiều nguy cơ rơi vào tầm ngắm điều tra tại Canada là thép cuộn cán nóng, vít/khớp nối thép, sàn thép lưới, ống đồng, máy làm mát, máy sưởi nhiệt, gỗ ván sàn công nghiệp, ống khoan, ống đóng cọc, nhôm thanh định hình…
Theo tính toán, trong quý IV/2024, nếu duy trì được mức xuất nhập khẩu 70 tỷ USD/tháng thì xuất nhập khẩu cả năm sẽ đạt 788-789 tỷ USD; còn nếu đạt kết quả thực hiện như tháng 9 thì xuất nhập khẩu cả năm đạt 776-777 tỷ USD.