Tiềm năng lớn
Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang đứng trước cơ hội rất lớn về xuất khẩu dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, du lịch và logistics. Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại “Hội thảo đối thoại công tư nhằm tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừ trong xuất khẩu dịch vụ” mới đây.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, hiện một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia vào thương mại quốc tế thông qua bán dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài như dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Ưu tiên phát triển lĩnh vực này cũng là câu chuyện được Việt Nam đề cập đến trong Tuần lễ cấp cao APEC vừa qua. Nhưng để đưa tiềm năng này trở thành thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai là một hành trình dài, bởi doanh nghiệp SME Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu ngân sách. Tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 477.808 doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nghiên cứu của INSME, mạng lưới quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp SME toàn cầu chỉ ra, các nền kinh tế thị trường mới nổi là những nước xuất khẩu chính các sản phẩm chế tạo, nhưng mức độ xuất khẩu dịch vụ rất thấp. Đơn cử tại Việt Nam, rất ít đơn hàng xuất khẩu dịch vụ trực tiếp.
Ông Sergio Arzeni, Chủ tịch INSME nhận định, trong thời gian tới Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh mẽ các đơn hàng xuất khẩu dịch vụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng. “Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Doanh nghiệp SME đang đóng góp lớn trong xuất khẩu trực tiếp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tỷ lệ chiếm khoảng 35%. Doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực này với sức bật mạnh trong 2 - 3 năm tới”, ông Sergio nhấn mạnh.
Mở rộng thị trường, cách nào?
“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thất bại trong chốt đơn hàng xuất khẩu dịch vụ, nguyên nhân một phần là do đội ngũ nhân sự còn thiếu kỹ năng, kiến thức về giao dịch thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp khiến liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt thường yếu”, bà Hạnh (VCCI) nhận xét.
Cũng theo bà Hạnh, doanh nghiệp Đài Loan đã và đang làm rất tốt vấn đề này. Hiện 75% đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan là do các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thực hiện.
Tham dự Hội thảo, Phó Vụ trưởng, Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kinh tế Đài Loan, bà Pei-Ti Hu cho hay: “Khi tiếp cận các thị trường mới, doanh nghiệp Đài Loan thường đi theo nhóm để hỗ trợ nhau và tạo một liên kết mạnh, nên tỷ lệ đàm phán thành công của họ thường rất cao”.
Nhiều nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu dịch vụ kết hợp tận dụng thế mạnh của Cách mạng công nghệ 4.0. Ví dụ như tại Mỹ, khu vực dịch vụ đang tạo ra hơn 75% việc làm và trong 732 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2016 thì có tới 250 tỷ USD mang lại từ thương mại dịch vụ. Đây là những con số được INSME đưa ra.
Chủ tịch INSME Sergio Arzeni khẳng định, xuất khẩu dịch vụ chưa đóng vai trò như xuất khẩu hàng hóa, nhưng trong thời gian tới sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh, bởi nếu nhìn ở góc độ giá trị gia tăng mà nó mang lại thì thương mại dịch vụ đang đóng góp khoảng 50% tổng giá trị thương mại toàn cầu hiện nay.
Tại Việt Nam, để phát triển xuất khẩu dịch vụ đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chuyên gia nước ngoài khuyến nghị cần mở ra một liên minh chăm sóc dịch vụ hậu cần cho doanh nghiệp để tiết kiệm các chi phí làm thủ tục, chi phí bến bãi, logistic, thuế hải quan… Cùng với đó, cần có chính sách bảo trợ cho khối doanh nghiệp siêu nhỏ.
“Xuất khẩu dịch vụ có nhiều yếu tố đặc thù khác với xuất khẩu hàng hóa, đòi hỏi những chính sách, luật pháp hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu”, bà Pei-Ti Hu cho hay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động đi tìm khách hàng. “Hiện nay vẫn có hiện tượng doanh nghiệp ngồi đợi khách hàng đến với mình, trong khi đó thời kinh tế cạnh tranh, xuất khẩu dịch vụ đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải nhanh nhạy, chủ động hơn”, bà Hạnh nhấn mạnh.