Sau khi giằng co trong phiên cuối tuần trước, phố Wall đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Hai do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu y tế và nỗi lo thu nhập tương lai của các công ty khi chi phí tăng do tiền lương tăng mạnh.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo lắng về căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, Iran đã nói dối về việc không theo đuổi vũ khí hạt nhân sau khi ký một thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc toàn cầu.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Dow Jones giảm 148,04 điểm (-0,61%), xuống 24.163,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,86 điểm (-0,82%), xuống 2.648,05 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 53,53 điểm (-0,75%), xuống 7.066,27 điểm.
Dù giảm trong tuần cuối tháng 4, nhưng do tuần tăng mạnh thứ hai, nên phố Wall đã lấy lại đà tăng nhẹ trong tháng 4 sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tháng 4, Dow Jones tăng 0,25%, S&P 500 tăng 0,27% và Nasdaq tăng 0,04%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau khi tăng mạnh trong phiên cuối tuần chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Hai (30/4) do thương vụ sáp nhập giữa Sainsbury's và Asda của Walmart để tạo thành nhà bán lẻ lớn nhất nước Anh theo thị phần.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,09 điểm (+0,1%), lên 7.509,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 31,24 điểm (+0,25%), lên 12.612,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 37,32 điểm (+0,68%), lên 5.520,50 điểm.
Với chuỗi tuần tăng liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã có tháng 4 đầy khởi sắc với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016 sau khi giảm mạnh trong quý I. Cụ thể, FTSE 100 tăng 6,42% sau khi có 3 tháng giảm liên tiếp trước đó với tổng mức giảm trong quý I là 8,21%. Chỉ số DAX cũng tăng 4,26% sau 2 tháng giảm liên tiếp và bù đắp được phần nào thiệt hại đã trong quý đầu năm (giảm 6,35% trong quý I). Chỉ số CAC 40 cũng khởi sắc với mức tăng 6,84% trong tháng 4 sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó và lấy lại cả vốn lẫn lãi đã mất trong quý đầu năm (quý I giảm 2,73%).
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc nghỉ lễ, thì chứng khoán Hồng Kông lại tiếp tục tăng vọt trong phiên đầu tuần mới nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng.
Kết thúc phiên 30/4, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 527,78 điểm (+1,74%), lên 30.808,45 điểm.
Trong tháng 4, các chỉ số này cũng có sự trái chiều, trong khi Nikkei 225 tăng mạnh 4,72% sau 2 tháng giảm liên tiếp và gần bù lỗ hết những gì đã mất trong quý I (giảm 5,76%), thì Shanghai Composite lại tiếp tục có tháng giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 2,74% sau khi đã mất 4,20% trong quý I. Chỉ số Hang Seng với 2 phiên tăng mạnh cuối tháng cũng có tháng 4 tăng 2,38% sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó.
Trong khi đó, dù chứng khoán giảm, cùng lo lắng về căng thẳng vấn đề hạt nhân của Iran, nhưng giá vàng cũng không thể tiếp tục duy trì đà tăng, thậm chí còn giảm trở lại, trả lại hết những gì đã có trong phiên cuối tuần khi đồng USD lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 30/4, giá vàng giao ngay giảm 7,7 USD/ounce (-0,58%), xuống 1.314,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 4,2 USD/ounce (-0,32%), xuống 1.319,2 USD/ounce.
Hai tuần giảm liên tiếp cuối tháng cũng khiến giá vàng đảo chiều giảm nhẹ trở lại trong tháng 4 sau khi hồi phục nhẹ trong tháng 3. Cụ thể, trong tháng 4, giá vàng giao ngay giảm 0,76% sau khi tăng 0,55% tháng trước, còn giá vàng tương lai giảm 0,44% sau khi tăng 0,54% tháng trước.
Giá dầu tăng trở lại sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, Iran đã nói dối về việc không theo đuổi vũ khí hạt nhân sau khi ký một thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc toàn cầu. Phát biểu này làm dấy lên lo lắng về cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC.
Kết thúc phiên 30/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,47 USD (+0,69%), lên 68,57 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,53 USD (+0,71%), lên 75,17 USD/thùng.
Trong tháng 4, giá dầu thô Mỹ tăng 5,59% và giá dầu thô Brent tăng 6,97%, tháng tăng mạnh thứ 2 liên tiếp của loại nhiên liệu này.