Xử lý trách nhiệm “đầu tàu” giao thông giải ngân chậm

Chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công quy mô lớn sẽ không còn nhiều thời gian để hoàn thành kế hoạch giải ngân trong giai đoạn 2019 - 2020.
Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt Bắc - Nam giải ngân được rất ít so với vốn kế hoạch đã bố trí. Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt Bắc - Nam giải ngân được rất ít so với vốn kế hoạch đã bố trí.

Dự báo chưa sát

Nếu phải chọn công trình hạ tầng giao thông nào có tốc độ giải ngân chậm nhất cho đến thời điểm này, chắc chắn không thể không điểm mặt Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Dự án GPMB sân bay Long Thành) do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Tính đến tháng 8/2019, Dự án mới giải ngân được vỏn vẹn 123,1 tỷ đồng trong tổng số 11.480 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương bố trí trong giai đoạn 2018 - 2019, tương đương 1,07% kế hoạch. Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai hoàn thành việc chi trả bồi thường vườn cây cao su có diện tích 2.170 ha; chi trả chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi…, thì lượng vốn giải ngân có thể lên được 1.768 tỷ đồng, song mới đạt 15% kế hoạch.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong công tác đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất; việc xác định giá đất và phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho gia đình cá nhân; xác định đơn giá bồi thường cây cao su… phức tạp hơn dự kiến ban đầu là một trong những nguyên nhân chính khiến chủ đầu tư bị hụt hơi khi giải ngân vốn ngân sách Trung ương cho Dự án GPMB sân bay Long Thành.

Việc giải ngân chưa bám được tiến độ tại Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt Bắc - Nam là những trở lực kéo tụt tốc độ giải ngân của toàn ngành giao thông vân tải

Dù vậy, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn muốn Thủ tướng Chính phủ không điều chuyển vốn đã bố trí (11.490 tỷ đồng) để tỉnh chủ động kịp thời giải ngân cho Dự án, dù quỹ thời gian chỉ còn chưa đầy 2 tháng.

Không chỉ Dự án GPMB sân bay Long Thành, việc phải hủy đấu thầu tuyển chọn nhà đầu tư quốc tế cho 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP của Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 để chuyển sang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước đã khiến kế hoạch giải ngân 55.000 tỷ đồng vốn bố trí bị “lụt tiến độ”.

Thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, trong năm 2018, Dự án đã giải ngân 142,141 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Theo kế hoạch, năm 2019 giải ngân khoảng 7.062 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2019, toàn bộ dự án thành phần mới giải ngân được 386,353 tỷ đồng chủ yếu cho công tác tư vấn và chi phí khác. Năm 2020, nếu công tác lựa chọn nhà thầu cho 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công và lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP thành phần suôn sẻ, Dự án dự kiến giải ngân thêm khoảng 10.359 tỷ đồng.

“Đối với số vốn còn lại khoảng 37.436,6 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cho phép chuyển nguồn sang giai đoạn 2021 - 2025 để tiếp tục giải ngân trong năm 2021, 2022”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, đây là khối lượng giải ngân tối ưu nếu kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trong nước suôn sẻ, có thể ký hợp đồng vào cuối năm 2020.

Một công trình lớn khác cũng chỉ tiêu được rất ít so với vốn kế hoạch đã bố trí là Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt Bắc - Nam. Dù được bố trí 7.000 tỷ từ nguồn vốn dự phòng trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhưng do mới đang trong giai đoạn thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, nên khả năng rất cao là chủ đầu tư Dự án sẽ phải điều chuyển phần lớn vốn đã bố trí sang kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025.

Xử lý cấp trưởng để giải ngân chậm

Tính đến ngày 30/9/2019, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tổng vốn giải ngân tại các dự án đầu tư công do Bộ GTVT quản lý mới đạt 6.987 đồng, bằng khoảng 28% so với kế hoạch vốn được giao năm 2019 (25.027 tỷ đồng), thấp hơn bình quân chung của cả nước là 32,8% và so với tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2018 của Bộ GTVT là 42,8%.

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân chưa cao là việc bổ sung kế hoạch vốn chậm, các dự án cần có thủ tục mới giải ngân được số vốn mới giao. Bên cạnh đó, các dự án cảng Lạch Huyện, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông gặp vướng mắc về thủ tục, chậm thanh quyết toán các dự án hoàn thành.

Nhiều dự án gặp vướng mắc trong quá trình triển khai đấu thầu như Dự án Mở rộng các cầu trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang, Dự án Tín dụng ngành GTVT giai đoạn II.

“Dự án Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, Dự án Mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Tân An… gặp vướng mắc mặt bằng. Dự án Tuyến tránh Kon Tum chậm vì thời tiết bất lợi. Các dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, nâng cấp Quốc lộ 217 giai đoạn II gặp vướng mắc trong triển khai thi công cũng là nguyên nhân khiến kết quả giải ngân chưa đạt được dự kiến”, ông Lâm chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đang triển khai quyết liệt Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành giữa tuần này. “Nếu việc chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có triển vọng giải ngân tốt nhưng thiếu vốn thuận lợi, chắc chắn khối lượng giải ngân từ nay đến cuối năm 2020 sẽ được cải thiện đáng kể”, vị lãnh đạo này cho biết.

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 9/2019, Bộ GTVT đã “ra roi” đối với các dự án chậm giải ngân so với kế hoạch vốn đăng ký. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên kiểm soát tiến độ thực tế. Trường hợp các gói thầu, dự án không có chuyển biến tích cực, không đáp ứng tiến độ, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời hoặc bổ sung, thay thế nhà thầu để triển khai thi công đáp ứng tiến độ, đảm bảo kế hoạch giải ngân theo yêu cầu.

“Bộ GTVT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nếu để xảy ra chậm trễ, không đảm bảo tiến độ giải ngân và đưa vào đánh giá xếp hạng chủ đầu tư, ban quản lý dự án năm 2019”, ông Thể khẳng định.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục