Giải ngân chậm vì tâm lý “cơm không ăn, gạo còn đấy”

Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2018 đã có bước cải thiện, nhưng vẫn đạt thấp hơn so với kế hoạch. Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, nguyên nhân việc giải ngân chậm là do chủ đầu tư có tâm lý “cơm không ăn, gạo còn đấy”, năm nay chưa giải ngân hết thì vẫn được kéo dài tới sang năm tới giải ngân tiếp.
Giải ngân chậm vì tâm lý “cơm không ăn, gạo còn đấy”

Tình hình giải ngân vốn đầu tư XDCB từ đầu năm đến nay khá chậm, thưa ông? 

Vốn đầu tư phát triển nói chung, vốn XDCB nói riêng trong 3 tháng đầu năm giải ngân khá thấp so với kế hoạch, tuy nhiên kể từ tháng 4 trở lại đây đã có khởi sắc. Tính đến hết hết tháng 7, giải ngân vốn XDCB đạt 37,64% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (đạt 33,42%). 

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2018 cao hơn năm 2017, nên về số tuyệt đối giải ngân còn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ do các bộ, ngành, địa phương đã tập trung quyết liệt hoàn thành công tác phân bổ dự toán vốn đầu tư công năm 2018, đặc biệt là vốn trái phiếu chính phủ cũng được triển khai phân bổ ngay từ những ngày đầu năm.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng rất khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm. 

Kết quả này có được là nhờ Chính phủ rất quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đặc biệt, Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 8/3/2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp cần thiết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tạo chuyển biến ngay trong tháng 3/2018.

Theo ông, nguyên nhân khiến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là gì?

Giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đầu tư XDCB (chiếm phần lớn vốn đầu tư) chậm có rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó có nguyên nhân khách quan tồn tại từ nhiều năm và là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến tiến độ triển khai đầu tư công bị chậm trễ nhưng chưa thể khắc phục triệt để, đó là công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng.  

Ngoài ra, còn có nguyên nhân quan trọng nữa là theo Luật Đầu tư công, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn thì thời gian thực hiện và giải ngân được kéo dài đến hết ngày 31/12 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, tức là được phép kéo dài thêm một năm.

Thời gian giải ngân vốn đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau. Trường hợp đặc biệt được kéo dài thời gian giải ngân, nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Với quy định này, chủ đầu tư “không đi đâu mà vội” vì “cơm không ăn, gạo còn đấy”, năm nay chưa giải ngân hết thì vẫn được kéo dài sang năm tới giải ngân tiếp. Tôi cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công phải nghiên cứu lại quy định này.

Đầu tư XDCB thường bị tắc bởi khâu giải phóng mặt bằng. Thưa ông, nếu không cho phép kéo dài thời gian giải ngân sẽ dẫn tới tình trạng công trình, dự án bị thiếu vốn sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng?

Công trình, dự án chưa giải ngân hết, theo quy định hiện hành thì đương nhiên được chuyển nguồn sang năm sau giải ngân tiếp, khiến việc chuẩn bị nguồn vốn rất bị động và tạo ra nhiều áp lực vì ngành tài chính không chỉ lo nguồn vốn đầu tư cho năm kế hoạch, mà còn phải lo cả nguồn vốn của năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang.

Nhiều nước trên thế giới quy định, nguồn vốn không giải ngân hết, khi hết năm tài chính hoặc hết kỳ đầu tư đương nhiên bị cắt. Số vốn chưa giải ngân hết, nếu muốn được tiếp tục giải ngân, chủ đầu tư phải xây dựng dự toán bổ sung trình cơ quan có thẩm quyền.

Trên cơ sở dự toán bổ sung, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định có phê duyệt dự toán hay không. Làm như vậy đúng là thêm một thủ tục, nhưng lập được kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước. 

Dự án đầu tư công vượt tổng mức đầu tư diễn ra khá phổ biến. Theo ông, vì sao có tình trạng này?

Một trong những nguyên nhân khiến dự án bị đội vốn là do thời gian thực hiện dự án bị kéo dài dẫn tới tăng chi phí nhân công; chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cũng tăng.

Luật Đầu tư công đã quy định rất rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan được phép điều chỉnh tổng mức đầu tư ban đầu trong trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, nội dung đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác, khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án. 

Luật Đầu tư công cũng cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại; do điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án; khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án…

Ngoài nguyên nhân khách quan nói trên, còn nguyên nhân nào khác, thưa ông?

Ngoài nguyên nhân khách quan, rất nhiều dự án bị đội vốn do nguyên nhân chủ quan, như việc xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Một số dự án thực hiện đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, thiếu chính xác... 

Để giải quyết tình trạng này, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra dự án đầu tư công; quy trách nhiệm rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tăng tổng mức đầu tư và đặc biệt là phải tăng cường sự giám sát của người dân thông qua việc công khai, minh bạch trong đầu tư công theo đúng Luật Đầu tư công.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục