Day dứt giải ngân vốn FDI

Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng khoảng cách giữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và giải ngân vẫn còn xa. Bài toán đặt ra khi Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI là làm sao để đưa khoản vốn 150 tỷ USD còn lại vào thực hiện.
Các dự án của Samsung đều được triển khai ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư và đi vào hoạt động chỉ trong vòng 1 năm sau đó. Ảnh: Chí Cường. Các dự án của Samsung đều được triển khai ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư và đi vào hoạt động chỉ trong vòng 1 năm sau đó. Ảnh: Chí Cường.

150 tỷ USD vốn FDI đi đâu?

Gần 1 tuần trước, ngày 22/8, đồng loạt 6 doanh nghiệp Hàn Quốc đã động thổ chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Đó là các công ty Samshin, Yoobong, Kwangjin, Hanbit ENG, Công ty Công nghiệp Wookang và Công ty Công nghiệp điện Nasan. 

Với tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ 11 triệu USD, đây đều là các dự án quy mô nhỏ, song điều quan trọng, theo ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, cả 6 dự án này đều hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và dịch vụ công nghiệp, vì vậy rất có ý nghĩa trong việc hình thành chuỗi giá trị, hỗ trợ cho các dự án công nghiệp có quy mô lớn tại Khu kinh tế Dung Quất. Doosan Vina chính là cái đích mà các nhà đầu tư này nhắm tới.  

Một điều quan trọng khác, đó là cả 6 dự án này chỉ vừa mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu tháng 8/2018. Nghĩa là, chỉ ít ngày sau khi nhận được sự đồng ý của các cơ quan chức năng Việt Nam, các nhà đầu tư đã nhanh chóng bắt tay triển khai dự án.

Không nhiều nhà đầu tư nước ngoài làm được điều này, kể cả với các dự án quy mô nhỏ, chứ chưa nói tới các dự án quy mô lớn, hàng tỷ USD.

Đến nay, sau 30 năm thu hút FDI, có lẽ Samsung không chỉ là nhà đầu tư lớn nhất, mà còn là nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc nhất các cam kết của mình. Tất cả các dự án của Samsung đều được triển khai ngay sau khi được cấp chứng nhận đầu tư và hoàn thành, đi vào hoạt động chỉ trong vòng 1 năm sau đó.

Tuần trước, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tới thăm các nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Shim Won Hwan cho biết, Samsung đã giải ngân gần hết trong tổng số hơn 17,3 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, Samsung Display, dù mới bắt đầu đầu tư vào năm 2014 và qua 2 lần tăng vốn vào các năm 2015 và 2017, đã giải ngân được 6,3 tỷ USD trong tổng số 6,5 tỷ USD vốn đầu tư cam kết. Dự kiến, đến hết quý III/2018, Samsung Display sẽ giải ngân hết nguồn vốn này, sớm so với kế hoạch đề ra là năm 2022.

Có Samsung, có 6 nhà đầu tư kể trên, nên vốn FDI giải ngân trong thời gian gần đây đã nhanh chóng gia tăng. Con số trong 7 tháng đầu năm là 9,85 tỷ USD, còn nếu tính lũy kế là 182,22 tỷ USD. Song cũng vì hiếm hoi nhà đầu tư làm được điều đó, nên thực tế, khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện còn khá xa.

Trong 7 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký là 18,15 tỷ USD; nếu tính thêm cả phần đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần thì đã lên tới 22,94 tỷ USD. Còn nếu tính lũy kế, số vốn đầu tư nước ngoài cam kết cho đến hết tháng 7/2018 là trên 333 tỷ USD.

Nghĩa là, cho đến nay, mới có hơn một nửa (54,7%) vốn đăng ký được đưa vào giải ngân. Câu hỏi đặt ra là, 150 tỷ USD vốn FDI còn lại đi đâu và tại sao lại có khoảng cách quá lớn giữa vốn đăng ký và thực hiện như vậy?

Bài toán khó giải

Không quá khó để trả lời câu hỏi trên, bởi chỉ cần thống kê một loạt dự án tỷ USDchưa được triển khai, đã thấy “bóng dáng” của con số đó.

Chẳng hạn, Dự án Saigon Atlantis Hotel, vốn đăng ký 4,1 tỷ USD; Dự án Hóa dầu Long Sơn, 4,5 tỷ USD; hay Dự án Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya, vốn đầu tư 2 tỷ USD; Dự án Khu đô thị đại học quốc tế, 3,5 tỷ USD; Dự án Kobelco 1 tỷ USD… Chưa kể, còn hàng loạt dự án quy mô lớn, nhỏ khác nằm rải rác ở khắp các địa phương trong cả nước.

Nhưng lại là một bài toán khó khi các chuyên gia đặt đề bài rằng, phải làm sao để thúc đẩy giải ngân số vốn FDI đã cam kết. 

Đến nay, mới có hơn một nửa vốn đăng ký được đưa vào giải ngân. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có khoảng cách quá lớn giữa vốn đăng ký và thực hiện như vậy?

Thực tế, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, giải ngân vốn FDI những năm gần đây đã tiến bộ vượt bậc, kỷ lục liên tục được thiết lập. Con số của năm ngoái là 17,5 tỷ USD, còn 7 tháng đầu năm nay đã gần 10 tỷ USD. “Hơn nữa, nếu chú ý theo dõi các con số thống kê, có thể thấy, 5 năm vừa rồi, tổng vốn FDI thực hiện đã cao gấp rưỡi 25 năm trước đây”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và đánh giá cao điều này.

Tuy vậy, một thực tế khá rõ ràng là vẫn còn 150 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký đang “nằm ở đâu đó”. Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, khá nhiều trong số này là con số ảo, do vậy, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI, phải rà soát cẩn trọng để “làm sạch” các con số này, dự án ảo cần được thu hồi, dự án nào có khả năng triển khai thì tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.

Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch quá lớn giữa vốn đăng ký và thực hiện. Ngoài chuyện một số dự án mới đang trong quá trình triển khai, nên giải ngân còn ít, thì còn có không ít dự án mà doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích từ lâu. 

Theo vị này, việc hành lang pháp lý chưa có quy định về mức vốn góp thực hiện dự án tối thiểu, hoặc quy định về tỷ lệ giữa vốn góp và vốn đăng ký, cũng chưa có quy định về thời hạn góp vốn thực hiện dự án khiến hầu hết các nhà đầu tư đều thực hiện giải ngân theo đăng ký. Nếu nhà đầu tư không tuân thủ cam kết, thì việc giải ngân sẽ chậm.

“Có lẽ, tới đây, nên bổ sung các quy định nói trên, bổ sung các quy định, tiêu chí và yêu cầu cụ thể đối với việc xem xét về năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính của nhà đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và thu hút được các dự án hoạt động hiệu quả”, vị này nói.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho rằng, điều quan trọng là phải quản lý chặt sau cấp phép. “Hàng năm, cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, cụ thể đối với các dự án chậm tiến độ, có dấu hiệu vi phạm về môi trường, xây dựng, sử dụng lao động…”, ông Sơn nói.

Quản lý chặt sau cấp phép cũng là điều được các chuyên gia nhắc tới. Theo đó, trước khi cấp chứng nhận đầu tư, các cơ quan quản lý cần xem tính khả thi của dự án, kiểm tra năng lực tài chính, sức khỏe thương hiệu của các nhà đầu tư. Với các địa phương, không nên chỉ chăm chăm lo hút vốn mà quên mất các yếu tố này.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục