Xử lý tin nhắn rác: Cần một liều thuốc tổng hợp

(ĐTCK )Số liệu thống kê mới nhất được Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin truyền thông công bố cho thấy, Việt Nam đứng đầu châu Á và đứng thứ hai thế giới về phát tán thư rác (thư điện tử rác và tin nhắn rác). Mặc dù có khoảng 140 triệu thuê bao di động (cuối năm 2014), nhưng số liệu này cho thấy một con số đáng buồn, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người sử dụng các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Việt Nam đứng đầu châu Á về phát tán thư rác

Theo Nghị định 90/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 77/2012/NĐ-CP), thư rác (spam) là thư điện tử, tin nhắn được gửi đến người nhận mà người đó không mong muốn hoặc không có trách nhiệm phải tiếp nhận theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu mà Bộ Thông tin truyền thông công bố, tính đến hết năm 2014, Việt Nam đang có 138,6 triệu thuê bao di động, đạt mật độ thuê bao di động 140 thuê bao/100 dân. Mật độ người dân sử dụng mạng 3G là 26 thuê bao/100 dân.

Số liệu thống kê được Cục An toàn thông tin cho thấy, Việt Nam hiện đứng đầu châu Á và đứng thứ 2 thế giới về gửi thư rác. Nếu đánh giá về tỷ lệ máy tính, thiết bị truy cập mạng nhiễm mã độc, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới với 30,5% số thiết bị công nghệ thông tin bị lây nhiễm mã độc. Còn theo hãng bảo mật Kaspersky (Nga) tính toán, trong 100 thư rác được gửi đi (tính trên toàn thế giới), đã có 10 thư xuất phát từ Việt Nam. Trước đó, năm 2014, Việt Nam cũng lọt Top 10 nước phát tán thư rác nhiều nhất trên thế giới (Hình 1).

Quý III/2013, trong báo cáo của Kaspersky Lab về tình hình phát tán thư rác trên toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về phát tán thư rác, chiếm 3,8% lượng thư rác được phát tán trên toàn cầu. Thống kê của Công ty An ninh mạng Bkav chỉ ra rằng, trong năm 2014, 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, gần gấp đôi con số của năm 2013.

Bảng xếp hạng 10 quốc gia có tỷ lệ phát tán thư rác nhiều nhất thế giới

Xử lý tin nhắn rác: Cần một liều thuốc tổng hợp ảnh 1 

Xử lý phát tán thư rác: cần một liều thuốc tổng hợp

Theo đánh giá của các chuyên gia, do các văn bản pháp luật liên quan đến việc xử lý đối với tin nhắn rác tại Việt Nam được ban hành riêng rẽ và cách xa nhau, nên kết quả đạt được chưa nhiều, trong khi công nghệ và thiết bị liên tục thay đổi đã khiến cho việc xử lý đối với thư rác ngày càng khó khăn.

Trước tình hình tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo bùng phát, Bộ Thông tin truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2015, các nhà mạng đã ngăn chặn và xử lý được khoảng 1 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 361 đầu số, cắt dịch vụ đối với 52 đầu số khác do có những vi phạm liên quan đến tin rác, tin nhắn lừa đảo…

Trong năm 2014, Sở Thông tin truyền thông Hà Nội đã ban hành 6 văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ với 29 đầu số, 266 số điện thoại phát tán tin nhắn rác, lừa đảo và 285 số điện thoại quảng cáo rao vặt trái phép. Cũng trong năm này, Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông đã xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung về hành vi phát tán tin nhắn rác tổng số tiền phạt là 1,375 tỷ đồng, trong đó chỉ trong tháng 10/2014, tổng số tiền xử phạt lên đến 1,185 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ đã xử phạt 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung vì hành vi phát tán tin nhắn rác (CTCP Công nghệ và truyền thông Bee Mobile, CTCP Truyền thông 3H Việt Nam, Công ty TNHH phát triển dịch vụ giải trí Đất Việt, Công ty TNHH truyền thông BIBO, CTCP Công nghệ và dịch vụ NETVIET, CTCP Viễn thông và giải trí số Việt Nam) với tổng số tiền là 265 triệu đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc để phát tán tin nhắn rác thời gian qua thuộc trách nhiệm của cả nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (ISP), người sử dụng dịch vụ viễn thông, cơ quan quản lý nhà nước (cả chuyên ngành và bảo vệ pháp luật). Vì thế, để xử lý triệt để vấn nạn này, cần một giải pháp đồng bộ đến từ tất cả các bên có liên quan.

Với nhà mạng, họ cần phải xác định rõ việc quản chặt và xử lý nghiêm với vấn nạn tin nhắn rác là nghĩa vụ và trách nhiệm trước người sử dụng các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Việc quản chặt SIM trả trước và đăng ký thông tin thuê bao, đầu số dịch vụ nội dung cần phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2012 của Bộ Thông tin truyền thông quy định về quản lý thuê bao di động trả trước nêu rõ, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm báo cáo hàng tháng với Sở Thông tin truyền thông về số lượng thuê bao được đăng ký thông tin. Đây được coi là một trong những giải pháp để tăng cường quản lý chặt thuê bao di động trả trước, tiến tới dọn sạch thuê bao ảo, SIM rác và vấn nạn tin nhắn rác hệ lụy.

Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (ISP), phải thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi một số điều về chống thư rác, trong đó nhấn mạng vào các quy định như phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận; chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo từ địa chỉ điện tử và hệ thống theo quy định; không được phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận; không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận; nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo…

Ngoài ra, các ISP còn phải thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký đầu số dịch vụ và những quy định khác của Bộ Thông tin và nhà mạng khi tiến hành kinh doanh.

Với người sử dụng dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin - đối tượng chịu những tác động bất lợi và hậu quả của việc bị làm phiền, lừa đảo, mất tiền… do tin nhắn rác, cần nêu cao trách nhiệm cũng như bảo đảm các biện pháp phòng ngừa cho mình khi sử dụng dịch vụ. Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp viễn thông, điện, nước, truyền hình cáp, internet, ngân hàng, bảo hiểm, siêu thị, bất động sản, trung tâm mua sắm, giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hãng hàng không, tầu hỏa… phải bảo mật thông tin khách hàng, cam kết không để lộ thông tin khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của họ.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (địa chỉ, số điện thoại) vì các mục tiêu khuyến mại, ưu đãi, bởi có thể chính những doanh nghiệp đó thay vì quảng cáo, khuyến mại lại bán các thông tin của khách hàng cho những đối tượng cần thông tin để gửi quảng cáo và phát tán tin nhắn rác diện rộng.

Với cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc tích cực, chủ động và phối hợp với các cơ quan có liên quan (công an, tòa án, UBND các cấp) trong việc xử lý tin nhắn rác, cần sửa đổi, bổ sung nhưng quy định không còn phù hợp; tuyên truyền phổ biến các biện pháp ngăn chặn, tiếp nhận và xử lý thông tin về tin nhắn rác.

Chủ động tăng cường nhân lực, vật lực, công nghệ… để  thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời vi phạm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; các doanh nghiệp làm lộ thông tin khách hàng; tổ chức, cá nhân phát tán thông tin khách hàng và phát tán tin nhắn rác hoặc tạo các điều kiện phát tán tin nhắn rác.

Tại nhiều quốc gia phát triển, tin nhắn rác không có “đất sống” vì ngoài việc họ có một hệ thống pháp luật đồng bộ, nghiêm khắc, hoàn thiện và đầy đủ; ý thức người sử dụng dịch vụ viễn thông nâng cao, thì việc bán SIM sử dụng để kích hoạt dịch vụ cũng có điểm khác biệt so với các nhà mạng Việt Nam.

Theo đó, nhà mạng bán SIM (có thể tặng cho khách hàng) nhưng SIM này không có số điện thoại trên đó, người sử dụng dịch vụ viễn thông bắt buộc phải đến điểm hòa mạng dịch vụ để kích hoạt SIM bằng việc kê khai thông tin cá nhân (ID, họ và tên, địa chỉ cư trú), sau đó hệ thống máy tính của nhà mạng sẽ đưa ra một dãy số (3 - 5 đầu số) để khách hàng chọn số.

Khi chọn xong, đầu số mới được kích hoạt để sử dụng dịch vụ và họ sẽ không bao giờ phải nhận bất kỳ tin nhắn quảng cáo nào nếu họ không muốn. Đây là bài học kinh nghiệm cho các nhà mạng Việt Nam trong cuộc chiến với thuê bao ảo, tài nguyên đầu số thuê bao và cả tin nhắn rác.

Việc mua bán, trao đổi, tiết lộ thông tin cá nhân khách hàng sẽ bị xử lý bằng cả biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Cụ thể, theo Điều 38, Bộ luật Dân sự 2005, số điện thoại của cá nhân không phải là thông tin được công khai và rao bán như một loại hàng hóa. Tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 5, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nêu rõ, người có hành vi mua bán hoặc trao đổi thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng.

Điều 226, Bộ luật Hình sự 1999 quy định, tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và máy tính, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cơ quan, cá nhân, xâm phạm trật tự xã hội sẽ bị phạt từ 10 - 100 triệu đồng, bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Lê Minh Toàn - Công ty Luật Lê Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục