Nhằm ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác, tại cuộc họp với các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnammobile, Gmobile cuối tuần qua, giải pháp được đề xuất là dựa trên hạn mức tin nhắn.
Cụ thể, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề xuất, một thuê bao sẽ được gửi tối đa 5 tin trong 5 phút, 20 tin trong một giờ và 50 tin trong một ngày. Hạn mức này có thể điều chỉnh theo từng thời kỳ và tình hình thực tế. Trường hợp thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức như trên phải đăng ký nhắn tin vượt hạn mức với nhà mạng. Việc đăng ký thực hiện tại điểm đăng ký thông tin thuê bao hoặc theo hướng dẫn cụ thể của doanh nghiệp. Nếu thuê bao thực hiện tin nhắn vượt hạn mức, nhưng chưa đăng ký dịch vụ tin nhắn vượt hạn mức sẽ bị nhà mạng chặn chiều gửi đi.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc áp dụng hạn mức tin nhắn của thuê bao là giải pháp ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác nhức nhối hiện nay cùng các biện pháp khác như giá cước, tuyên truyền, kỹ thuật. Thế nhưng, lo ngại giảm sút doanh thu, giải pháp này không nhận được sự đồng thuận từ các nhà mạng.
Đại diện Viettel cho biết, Viettel đang áp dụng chương trình 2.500 đồng được gửi 100 tin nhắn. Đối tượng khách hàng của Viettel là học sinh, sinh viên, khách hàng trẻ. Đối tượng khách hàng này có thể nhắn tới 200-300 tin nhắn/ngày. Nếu đặt hạn mức 50 tin nhắn/ngày, Viettel sẽ mất khách hàng, mất doanh thu. Vì thế, chỉ nên áp dụng tần suất gửi tin nhắn, mà không nên áp dụng hạn mức tin nhắn.
“Khách hàng học sinh, sinh viên của Vietnamobile bình quân nhắn trên 100 tin/ngày. Nếu áp dụng hạn mức, nhóm người dùng học sinh - sinh viên sẽ bị tác động trực tiếp. Hơn nữa, khách hàng bình thường ít khi có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức một cách thường xuyên. Nếu bắt cả họ đăng ký, thì sẽ rất phiền hà”, đại diện Vietnamobile cho biết và đề xuất, nếu buộc phải áp dụng, nên cho phép thuê bao nhắn tin để đăng ký, hoặc hủy đăng ký vượt hạn mức nhằm đơn giản hóa quy trình.
Cả MobiFone và Vietnamobile đều cho rằng, với quy định thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức phải thực hiện đăng ký với doanh nghiệp viễn thông di động, thì việc đăng ký sẽ gây phiền hà khi khách hàng phát sinh nhu cầu nhắn tin số lượng lớn.
Đại diện VinaPhone lưu ý, vấn đề đưa ra quyết định giám sát là cần thiết, nhưng việc áp hạn mức nếu khách hàng phản ứng sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ tin nhắn miễn phí OTT, thực tế này sẽ gây mất doanh thu cho nhà mạng.
Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, tạm thời chưa áp dụng quy định hạn mức tin nhắn để chống tin nhắn rác. Thay vào đó, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng đẩy nhanh các biện pháp kỹ thuật, tập trung xử lý các thuê bao sử dụng SIM Box, hoặc phần mềm phát tán tin nhắn với tần suất cao trong giai đoạn đầu tiên.
Theo ông Thắng, ngoài các giải pháp kỹ thuật đang áp dụng, nhà mạng có thể nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, dịch vụ chặn tin nhắn rác dành cho người dùng, cho phép người dùng được lựa chọn từ chối nhận tin quảng cáo. “Người dùng có thể không dùng tới dịch vụ đó, nhưng đấy là lựa chọn chủ động của họ. Khi đã có công cụ trong tay, nhưng không dùng, thì người dùng sẽ không than phiền nữa”, ông Thắng gợi ý.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc thu hồi thuê bao phát tán tin nhắn rác không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh tin nhắn rác đang tràn lan hiện nay. Cục Viễn thông đề nghị các nhà mạng nên có đề xuất cụ thể về tiêu chí, quy trình, cần trả lời về việc có quyền lợi, lợi ích kinh tế gì, hoặc thiệt hại gì trong vấn đề tin nhắn rác bùng phát, để từ đó phối hợp cùng Bộ ngăn chặn tin nhắn rác.