Ông có thể cho biết những điểm nổi bật trong chính sách thuế tại Việt Nam năm 2019?
Thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm nhất đến việc thực thi Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Theo nghị định này, trong vòng 2 năm tới, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy. Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét. Nếu được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2020, bao gồm các điều khoản mới về nhà thầu nước ngoài và các doanh nghiệp kinh doanh qua Internet.
Trong bối cảnh này, chúng tôi khuyên các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần liên tục theo dõi các diễn biến mới thông qua website của cơ quan thuế, báo chí và các hội thảo chuyên ngành. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp và nhà đầu tư nên phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để giải quyết các tranh chấp (nếu có) và doanh nghiệp nên xây dựng quy trình quản lý rủi ro về thuế, cũng như hợp tác với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều thương vụ M&A xuyên biên giới. Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện mua, bán doanh nghiệp tại Việt Nam?
Trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến Việt Nam để thực hiện các thương vụ M&A, vì họ đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tiềm năng trở thành “công xưởng thế giới” của Việt Nam. Thay vì phải thành lập công ty con tại Việt Nam, nhà đầu tư thường chọn con đường M&A để tiết kiệm thời gian và công sức.
Tuy nhiên, các thương vụ M&A thường có giá trị lớn và hoàn thành trong thời gian ngắn, nên các vấn đề về thuế rất dễ bị bỏ qua. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua trường hợp của các nhà đầu tư Thái Lan trong các thương vụ mua Metro và Big C. Ban đầu, phía nhà đầu tư cho rằng, mình không phải chịu thuế vì áp dụng các hiệp định quốc tế về tránh đánh thuế hai lần. Tuy nhiên, cơ quan thuế Việt Nam sau đó cho biết, tài sản được giao dịch trong các thương vụ này thuộc lãnh thổ Việt Nam, nên người mua vẫn phải nộp thuế.
Một ví dụ khác là trường hợp Sabeco vẫn còn tranh chấp, kiện tụng về vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt, trước và sau khi nhà đầu tư Thai Beverage mua cổ phần chi phối tại đây vào năm 2017.
Những tranh chấp về thuế như trên ảnh hưởng khá lớn đến “sức khỏe” tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp, nên trong quá trình đàm phán M&A, hai bên cần thảo luận kỹ về nghĩa vụ thuế. Lời khuyên của tôi là nhà đầu tư cần thẩm định thuế thật kỹ lưỡng, không nên vì tính gấp rút của thương vụ mà bỏ qua việc này.
Cụ thể, bên mua cần tìm hiểu xem, doanh nghiệp còn nghĩa vụ hay tranh chấp thuế nào không và ai sẽ là người giải quyết. Bên bán có thể được yêu cầu giải quyết xong tất cả tồn đọng về thuế trước khi ký hợp đồng, hoặc là bên mua đồng ý tiếp nhận các nghĩa vụ thuế sau khi thương vụ hoàn tất.
RSM Việt Nam hỗ trợ khách hàng đạt mục tiêu thông qua các dịch vụ hỗ trợ kiểm toán, thuế, tư vấn và dịch vụ thuê ngoài.
Cũng liên quan đến M&A, năm ngoái, thương vụ Grab và Uber cũng gây nhiều tranh cãi vì Uber còn nợ thuế tại Việt Nam. Theo ông, với Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến thông qua trong năm 2019, chính sách thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh qua Internet sẽ như thế nào?
Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng, việc thu thuế các “doanh nghiệp 4.0” và các thương vụ M&A liên quan là vấn đề đang khiến nhiều nước phải “đau đầu” chứ không riêng gì Việt Nam. Luật pháp hiện không theo kịp sự phát triển nhanh và mạnh của doanh nghiệp Internet và nhiều nước trên thế giới cũng đang lúng túng trong việc xác định hình thức doanh nghiệp này để đánh thuế cho chính xác.
Lấy ví dụ, các “xe ôm công nghệ” hoặc các hộ kinh doanh trên website thương mại điện tử được tính là nhà cung cấp hay đối tác? Bản thân các ứng dụng công nghệ nên được xem là môi giới hay nhà cung cấp dịch vụ?
Hiện nay, Việt Nam đang đánh thuế các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên Internet thông qua đại diện của họ tại Việt Nam, hoặc thông qua website thương mại điện tử mà họ sử dụng. Có 3 loại hình phổ biến: các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng xã hội; các trang web thương mại điện tử (Lazada, Tiki, Shopee…) kèm đối tác thanh toán trung gian (Momo, Moca…); các doanh nghiệp không có đại diện tại Việt Nam (Facebook, Google, Traveloka).
Cơ quan thuế Việt Nam đang xem xét việc ra luật riêng dành cho 3 loại hình kinh doanh qua Internet này, hay thêm các điều khoản vào luật sẵn có. Cả hai cách làm đều có mặt ưu điểm và hạn chế, nhưng chắc chắn, cơ quan thuế sẽ quản lý và theo dõi chặt chẽ doanh nghiệp Internet trong thời gian tới. Vì vậy, lời khuyên dành cho các “doanh nghiệp 4.0” là luôn có thái độ cầu thị, hợp tác với cơ quan thuế.
Một điểm mới nữa của Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là phòng tránh chuyển giá. Đây là vấn đề được khối doanh nghiệp FDI đặc biệt quan tâm. Ông có thể cho biết cụ thể về điều luật này?
Chuyển giá được định nghĩa là việc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ và thương vụ giữa các doanh nghiệp liên quan mà không dựa trên giá thị trường nhằm mục đích tránh thuế. Đây là vấn đề được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nêu rõ vào năm 2015.
Việt Nam đã tham khảo các hướng dẫn của OECD để ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2017/TT-BTC về chuyển giá. Một số dấu hiệu của việc chuyển giá bao gồm: liên tục báo lỗ dù doanh thu tăng, nhiều giao dịch với các “thiên đường thuế”, giá cao bất hợp lý trong các hợp đồng hàng hóa, dịch vụ hoặc chi phí lãi vay cao. Một số điều khoản trong luật về chống chuyển giá của Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn thiện và bị nhiều doanh nghiệp không đồng tình, ví dụ, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP yêu cầu chi phí lãi vay không được cao hơn 20% thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao (Ebitda).
Dự kiến, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ nêu rõ những quy định căn bản nhất trong việc đánh thuế các thương vụ diễn ra giữa các bên liên quan. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp FDI, giúp tạo nên môi trường cạnh tranh minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp và giảm thiểu số lượng tranh chấp, kiện tụng về chuyển giá.