Năm 2019 tập trung nhiều chuyên đề kiểm toán môi trường

Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề tập trung vào lĩnh vực môi trường. “Kiểm toán môi trường là phương cách hữu hiệu để chỉ ra bất cập, tồn tại, hạn chế trong chấp hành pháp luật về môi trường”, TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN nhấn mạnh.
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN. TS. Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN.

Theo kế hoạch, năm 2018, KTNN thực hiện 232 cuộc kiểm toán, kết quả đạt được thế nào, thưa ông?

Trong 3 quý đầu năm, chúng tôi đã triển khai thực hiện 222 cuộc kiểm toán (đạt 95,7% kế hoạch), kết thúc 150 cuộc, xét duyệt 140 dự thảo báo cáo kiểm toán.

Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 dự thảo báo cáo kiểm toán (trong đó 85 báo cáo đã phát hành) là 56.009 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 41 văn bản (12 thông tư; 6 nghị quyết; 8 quyết định; 15 văn bản khác) nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí. 

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, trong đó có một số cuộc kiểm toán có kết quả nổi bật như kiểm toán báo cáo tài chính,

các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của EVN; Dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3; Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM;

Chuyên đề việc thực hiện Hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2017; Chuyên đề hoàn thuế giá trị gia tăng; kiểm toán hoạt động Đầu tư xây dựng, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao TP.HCM...

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 60/2018/QH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, KTNN đã bổ sung Kế hoạch kiểm toán năm 2018 đối với Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017.  

Trong những năm gần đây, KTNN đã quan tâm đến kiểm toán môi trường vì sự phát triền bền vững. Ông đánh giá ra sao về sai phạm trong lĩnh vực môi trường?

Kết quả kiểm toán công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014 - 2016 cho thấy, một số địa phương ban hành văn bản quản lý nhà nước chưa đúng quy định; cấp giấy phép thăm dò khoáng sản sai quy định.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng chưa được ký hợp đồng thuê đất; cơ quan quản lý tại địa phương chưa kịp thời kiểm tra, xử lý hoặc hiệu quả thanh, kiểm tra chưa cao dẫn đến tình trạng khai thác vượt công suất, khai thác khi giấy phép đã hết hạn, vượt ranh giới cấp phép và vượt trữ lượng cấp phép; nhiều mỏ đã được cấp phép nhưng không thực hiện khai thác; còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, chưa đúng quy định... 

Năm 2019, kiểm toán hoạt động liên quan đến môi trường sẽ tập trung vào các đơn vị nào?

Tập trung kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững cũng là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, vì vậy, trong 2 năm qua, chúng tôi đã thực hiện 18 cuộc kiểm toán chuyên đề về môi trường. Năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán môi trường, trong đó chú trọng kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016 - 2018. 

Bên cạnh đó, KTNN sẽ kiểm toán việc quản lý xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội; quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016 - 2018; sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2014 - 2018;

Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng; cấp phép, quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản giai đoạn 2013-2018 của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn II)… Ngoài ra, KTNN còn thực hiện kiểm toán chuyên đề đối với Dự án Thủy điện sông Bung 2, Nhiệt điện Thái Bình 1, Thủy điện bản Chát, Thủy điện Trung Sơn…

Trong khi các nước trên thế giới đã có khá nhiều kinh nghiệm kiểm toán môi trường thì ở Việt Nam, kiểm toán môi trường là hoạt động còn mới mẻ. Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán môi trường, thưa ông?

KTNN đã có kinh nghiệm kiểm toán tuân thủ pháp luật và kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm kiểm toán hoạt động, đặc biệt là kiểm toán lĩnh vực công nghệ thông tin và môi trường. Thậm chí, KTNN cũng mới thành lập Phòng Kiểm toán môi trường và đang nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm toán môi trường.

Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin, điện toán đám mây, công nghệ cộng hưởng, công nghệ viễn thám… vào kiểm toán môi trường và kết quả đạt được rất khả quan. 

Đơn cử, ứng dụng các công nghệ viễn thám để đo đạc và xác định trữ lượng đá tại 2 khu mỏ làm nguyên liệu sản xuất xi măng portland ở Hải Phòng, từ đó xác định lượng đá mà nhà máy xi măng đã sử dụng sản xuất xi măng portland và tính ra số thuế phải nộp, chúng tôi đã kiến nghị truy thu cho ngân sách nhà nước 560,6 tỷ đồng và kiến nghị với địa phương xử lý khối lượng đá khai thác ngoài ranh giới mỏ, thu về cho ngân sách nhà nước gần 1.178 tỷ đồng… 

Kiểm toán môi trường là một trong những công cụ hữu hiệu để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm với xã hội của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường bền vững; giúp giảm thiểu các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khoẻ cộng đồng.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục