Trên thực tế, khi VAMC ra đời, các ngân hàng thương mại đã có kênh để tiêu thụ được lượng lớn nợ xấu trong gần 2 năm qua. Thông qua việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, các nhà băng đã làm sạch được bản cân đối kế toán để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, tạo uy tín cho thị trường cũng như đối tác trong quá trình đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Chẳng hạn, tại SCB, đến cuối năm nay dự kiến tổng nợ xấu mà ngân hàng bán cho VAMC lên đến 11.000 tỷ đồng. Hay SHB, Navibank và cả những ngân hàng quy mô lớn như Eximbank, Sacombank… cũng đều phải đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC.
Thế nhưng, đi kèm với việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải tăng cường trích dự phòng rủi ro tín dụng. Chẳng hạn, tại OCB, sau khi bán gần 200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, OCB cũng phải trích lập dự phòng 40 tỷ đồng (20% cho khoản trái phiếu đặc biệt thu về sau khi bán nợ xấu). Còn tại SCB, khoản dự phòng rủi ro đến thời điểm giữa năm 2014 lên tới trên 3.000 tỷ đồng.
Đánh giá việc xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho biết, hiện tại, ngoài việc các ngân hàng hy sinh lợi nhuận để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, thì việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cũng chỉ gói gọn trong VAMC và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). VAMC đã mua được lượng lớn nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng thực chất chỉ mới chuyển nợ tạm thời từ các ngân hàng thương mại sang VAMC quản lý.
Điều quan trọng để xử lý nợ xấu là làm thế nào VAMC bán được nợ. Việc này phụ thuộc nhiều vào thị trường mua - bán nợ. Tuy nhiên, theo ông Hải, việc hình thành thị trường mua - bán nợ đang đối mặt rất nhiều khó khăn, bởi người nước ngoài chưa được phép sở hữu bất động sản, trong khi tài sản đảm bảo lại chủ yếu là bất động sản. Do đó, cần có những giải pháp mở hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua - bán nợ, như cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu bất động sản, gia tăng quyền cho VAMC trong xử lý tài sản đảm bảo...
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cũng cho biết, quá trình phát mại tài sản thông qua đấu giá không mấy thành công. VAMC đã tiến hành phát mại tài sản nhiều lần, nhưng có những tài sản đấu giá đến lần thứ 3 không thành công, ủy quyền cho tổ chức tín dụng đấu giá thì có đơn vị đấu giá tới lần thứ 5, thứ 7 vẫn không được.
Một khi VAMC mua lại nợ xấu, mà không phát mại được tài sản thì không bao giờ thu lại được tiền. Điều đó cũng có nghĩa là, các khoản nợ xấu VAMC mua lại từ các ngân hàng thương mại sẽ khó triệt tận gốc.
Vì thế, sự ra đời của Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản của VAMC vừa được Bộ Tư pháp ban hành, có hiệu lực từ ngày 10/11 tới được xem là một giải pháp gỡ nút thắt cho việc bán nợ xấu cũng như tài sản đảm bảo. Theo đó, việc xác định giá khởi điểm đối với tài sản bán đấu giá được Thông tư 18/2014/TT-BTP quy định rõ để đảm bảo quyền lợi của các bên (Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC chưa đề cập vấn đề này).
Trong trường hợp mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường, VAMC được quyền thuê tổ chức bên ngoài thẩm định giá hoặc tự định giá để xác định giá khởi điểm. Mặt khác, nếu VAMC mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt thì được thỏa thuận với ngân hàng về giá khởi điểm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cần phải tăng vốn của VAMC lên 2.000 tỷ đồng và tăng thêm quyền lực để có thể xử lý triệt để nợ xấu. Vì trên thế giới, VAMC được trao hai đặc quyền quan trọng: bán tài sản bảo đảm và được phép bổ nhiệm hoặc liên kết với cơ quan công an để cưỡng chế, định giá thị trường.