Mặc dù có những ý kiến về việc xử lý nợ xấu chậm chạp, nhưng nhìn trong tổng thể nền kinh tế cho thấy, đây là một nỗ lực lớn của NHNN trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, trong một vòng luẩn quẩn: khó khăn trong việc cho vay vốn nhưng với việc tiêu dùng bị thắt chặt, hoạt động sản xuất - kinh doanh cầm chừng, lợi nhuận bị thu hẹp, nợ xấu tại các ngân hàng xử lý chậm, rồi lại khó khăn cho vay vốn...
“Tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN đã cho biết, hy vọng đến cuối năm nay con số nợ xấu của các TCTD sẽ được xử lý một bước căn cơ, nhưng với Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 ban hành ngày 4/9, Chính phủ yêu cầu NHNN phải tập trung nỗ lực xử lý nợ xấu… nhưng không được trực tiếp dùng tiền ngân sách, có lẽ đây tiếp tục là bài toán khó giải của NHNN”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Về câu chuyện này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng chia sẻ, để xử lý nợ xấu, thông thường các ngân hàng có 2 cách. Chẳng hạn, với dư nợ 100 đồng ở nhóm 4, dự phòng rủi ro là 50%, dư nợ ròng sau khi trừ dự phòng còn 50 đồng, để xóa món nợ này trên sổ sách, một là ngân hàng sẽ tự bán tài sản bảo đảm. Giả sử tài sản bán được 70 đồng, nợ trên sổ sách sẽ được xóa và ghi nhận 20 đồng vào lợi nhuận bất thường, nhưng về tổng thể, ngân hàng có tiền mặt 70 đồng. Trong trường hợp tài sản đảm bảo vì lý do nào đó giá trị bị thấp đi, nếu may mắn tìm được người mua nợ 50 đồng, thì trên sổ sách dư nợ là 0, tiền mặt có 50 đồng. Theo đó, các ngân hàng vẫn có tiền mặt để tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện tại phần lớn các ngân hàng không tự xử lý được nợ và giải pháp được thực hiện trong thời gian qua là bán nợ cho VAMC. Nợ bán cho VAMC, ngân hàng không được nhận về tiền mặt mà là trái phiếu đặc biệt, muốn sử dụng trái phiếu, ngân hàng phải lên NHNN tái chiết khấu, tái cấp vốn. Trái phiếu ở đây chỉ là một loại giấy tờ có giá, không tạo ra thanh khoản thực, trong khi ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng mỗi năm 20% cho khoản nợ đó.
Theo TS. Hiếu, với tình hình thị trường bất động sản trầm lắng; vướng mắc, khó khăn đến từ tòa án trong việc giải quyết tài sản thế chấp…, các ngân hàng không thể tự giải quyết nợ xấu để có tiền mặt, nên buộc phải bán nợ cho VAMC. Nhưng việc bán nợ không phải thanh toán bằng trái phiếu mà là tiền mặt và giá trị khoản nợ sẽ là sự thương lượng giữa 2 bên. Để có thể làm được như vậy, phải có nguồn tiền từ ngân sách cho VAMC.
“Vốn điều lệ của VAMC cần phải được tăng lên, từ đó làm đòn bẩy để VAMC có thể đi vay từ các tổ chức tài chính thế giới hoặc đi vay từ chính các TCTD trong nước, tạo nguồn tiền mặt mua nợ. Nếu không có tiền mặt, không thể đòi hỏi xử lý nợ xấu nhanh”, TS. Hiếu nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP thừa nhận: “Về kỹ thuật, nếu không có tiền mặt thì các khoản nợ xấu được xử lý bằng cách cơ cấu lại, giãn thời gian trả nợ… vẫn còn tồn đọng trong hệ thống ngân hàng”.
Phó tổng giám đốc phụ trách khối quản trị rủi ro một ngân hàng TMCP phân tích, thị trường hay nói tới việc trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, nhưng cần phải hiểu đây là quỹ ảo, vốn ảo, chứ không phải là tiền thật. Nếu với dư nợ 100 đồng, dự phòng rủi ro 50 đồng, nghĩa là món nợ đã mất vốn 50 đồng và kê trong sổ sách còn lại 50 đồng là giá trị thực tế của món nợ. Đây là xử lý theo cách hạch toán chứ không có quỹ với tiền thực để xử lý nợ.
“Phải có tiền thật để xử lý nợ xấu. Không có tiền mặt giải quyết nợ xấu có nghĩa chúng ta đang bơi trong ‘biển ảo’”, vị phó tổng giám đốc trên nhấn mạnh.