Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đi vào cuộc sống được gần 1 năm. Ông đánh giá thế nào về vai trò của nghị quyết này?
Tính đến tháng 5 này thì Nghị quyết 42 được ban hành vừa tròn 10 tháng. Phải khẳng định rằng đây là cú huých cho việc ổn định thị trường tiền tệ trong nước, góp phần đưa quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế; giảm bớt tư duy trước đây là tất cả sống nhờ vào tín dụng, tín dụng là của Nhà nước, Nhà nước phải có trách nhiệm là bà đỡ cho nền kinh tế.
Đồng thời, nó cũng khẳng định một tín hiệu là Nhà nước cũng không nằm ngoài những nguyên tắc của thị trường, mà phải tuân thủ những quy luật của thị trường, khi đã vay phải có trả.
Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Trước khi Nghị quyết 42 được ban hành, cũng phải nói là các tổ chức tín dụng kinh doanh tiền của người khác như là tiền của mình ban phát cho các doanh nghiệp, sau đó nhận cảm ơn. Bây giờ không còn việc này nữa. Đó là điều căn bản, thay đổi về tư duy giữa cả người đi vay và cho vay.
TS. Nguyễn Đức Kiên
Với người cho vay, không thể vì lý do có quan hệ cá nhân để du di các tiêu chuẩn khi cho vay. Nếu cho vay sai thì phải chịu trách nhiệm, như một loạt trường hợp ra tòa thời gian qua. Điều đó giúp cho hoạt động của các tổ chức tín dụng đi vào minh bạch hơn, đúng với bản chất một đơn vị kinh doanh tiền, đặc thù kinh doanh hộ tiền của người khác, chứ không phải tiền của mình.
Với người đi vay, khi vay phải chịu trách nhiệm về hợp đồng vay, phải đảm bảo là hợp đồng của anh phải có lãi và hoạt động của anh được ổn định, bảo toàn được vốn, chứ không phải là cứ đi vay mà không chịu trách nhiệm về dự án của mình.
Vì hình thành nên trách nhiệm rõ ràng giữa người đi vay và cho vay nên khi có vấn đề gì xảy ra, đưa ra tòa sẽ chiểu theo quy định của pháp luật, ai sai người đó chịu trách nhiệm.
Có thể khẳng định, cơ chế của Nghị quyết 42 rất mạnh, vừa bảo vệ quyền lợi người đi vay, vừa bảo vệ quyền lợi của người cho vay. Điều quan trọng là nó tạo ra cơ chế thỏa thuận để hai bên cùng thắng.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tế của Nghị quyết 42 đối với tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng?
Nghị quyết 42 đã tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng biện pháp thu hồi tài sản đảm bảo khi các chủ nợ không có thiện chí khắc phục hậu quả do mình gây ra. Điều này góp phần làm gia tăng tính ổn định và hệ số an toàn của các tổ chức tín dụng.
Ngày 17/4/2018, Ngân hàng Quân đội đã siết nợ Khách sạn Bavico theo cơ chế từ Nghị quyết 42
Trên cơ sở Nghị quyết 42, các hoạt động xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ đã có nhiều khởi sắc. Chẳng hạn, VPBank đã thu hồi được tài sản đảm bảo là tòa nhà số 5 Điện Biên Phủ, VAMC thu hồi tòa nhà Saigon One Tower, hay MBBank vừa thu hồi được khách sạn 5 sao của Công ty Bạch Dương trên Đà Lạt…
Đó là những tín hiệu rất tốt cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp như ở Nha Trang, Khánh Hòa, ABBank tiến hành thu hồi tài sản đảm bảo của một doanh nghiệp, nhưng cuộc thu hồi này không thành công.
Thực tế này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có sơ kết nhanh kết quả sau 1 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đánh giá xem công tác triển khai như thế nào; vướng mắc ở những điểm nào trong mối quan hệ giữa người cho vay và người đi vay, với chính quyền địa phương… để qua đó có những giải pháp, định hướng tiếp theo cho phù hợp.
Nói tóm lại, Nghị quyết 42 đã tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu, nhưng đây không phải là cây đũa thần để xử lý mọi nợ xấu. Bởi thực tế cho thấy vẫn có những trường hợp không thu được nợ xấu.
Hiện một số định chế nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam xử lý nợ xấu chậm. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Tôi cho rằng, các định chế nước ngoài đó do hạn chế về thông tin nên mới đưa ra những đánh giá như vậy. Thời điểm trước ngày 15/7/2017, tiến trình xử lý nợ xấu đúng là còn khá chậm. Theo đó, chúng ta mới gom nợ xấu của các tổ chức tín dụng về VAMC và để đấy.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội chính thức có hiệu lực, tiến trình xử lý nợ xấu đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Chẳng hạn, công tác thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý đã có bước tiến rõ rệt. Đơn cử, khách sạn 5 sao của Công ty Bạch Dương ở trên Đà Lạt với 260 phòng đã bị MBBank thu giữ vì Công ty còn nợ 400 - 500 tỷ đồng. Điều đó có thể làm được ở giai đoạn hiện nay, chứ trước đây thì không thể. Ngân hàng chỉ cần thực hiện một vài vụ thu giữ tài sản đảm bảo như vừa rồi là các con nợ khác không dám chây ỳ như trước đây, mà phải ngồi vào bàn giải quyết câu chuyện này.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nợ cũng là một giải pháp giúp các tổ chức tín dụng giảm nợ xấu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại do doanh nghiệp gây ra và những tồn tại không phải lỗi của doanh nghiệp. Thị trường bất động sản khởi sắc cũng là cơ hội xử lý nợ xấu thông qua việc bán các tài sản bảo đảm là bất động sản.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 mới đi vào cuộc sống được 10 tháng, trong khi nợ xấu đã hình thành và tích tụ suốt 20 năm nay, nên khó đòi hỏi có thể xử lý hết ngay được. Hiện các ngân hàng cũng đang rất cố gắng, bởi nếu không xử lý được nợ, trích lập dự phòng rủi ro sẽ lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông và người lao động. Lợi nhuận thấp thì lương, thưởng cao sao được.
Tôi cho rằng, Nghị quyết 42 mới được triển khai trong thời gian chưa dài nên chúng ta cần phải bình tĩnh, không nên đưa ra những nhận định mang tính chất quy chụp. Nhưng cũng không nên khen quá lên.
Tóm lại, với Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang chuyển động theo hướng tích cực. Nghị quyết đặt ra 5 năm để xử lý nợ xấu, hiện mới triển khai được có 10 tháng, còn 50 tháng nữa. Muốn có kết quả tốt phải làm thật chắc chắn, chứ tiến hành nhanh mà thất thoát thì còn tai hại hơn.