Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh việc bị truy thu thuế mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu NHP (NHP) cho biết, Cục thuế TP.Hà Nội đã có kết luận thanh tra thuế tại NHP.
Theo đó, Cục yêu cầu NHP nộp số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (1/8/2017) với tổng số tiền hơn 511 triệu đồng do những vấn đề về kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như sử dụng hóa đơn.
Ông Nghĩa cho biết, trong hơn 511 triệu đồng này, có khoảng 300 triệu đồng là khoản truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Lý do của vấn đề này là năm 2014, NHP có hợp đồng nhận chuyển nhượng nhà xưởng và sử dụng nhà xưởng của Công ty Minh Phương để hoạt động sản xuất-kinh doanh, nhưng 1 năm sau mới sang tên được.
Theo nguyên tắc kế toán và kiểm toán, NHP phải trích ngay khấu hao tài sản cố định là toàn bộ nhà xưởng từ tháng 6/2014 và NHP nộp thuế theo kiểm toán. Tuy nhiên, khi quyết toán thuế, theo quan điểm của cơ quan thuế, tại thời điểm tháng 6/2014, NHP chưa được trích khấu hao nhà xưởng đó (mặc dù nhà xưởng đã đi vào sản xuất-kinh doanh) vì chưa có quyết định thu hồi đất và hợp đồng thuê đất với Nhà nước.
“Do vậy, NHP phải hạch toán vào lợi nhuận và nộp thêm thuế. Về vấn đề này, NHP đã trao đổi với Vụ Chính sách thuế (Bộ tài chính) và cơ quan này thừa nhận, đây là lỗ hổng pháp lý cần phải sửa đổi trong thời gian tới”, ông Nghĩa nói.
Tại Hội thảo “Cập nhật và đối thoại về thuế 2017” do Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) tổ chức (ngày 23/8), ông Nguyễn Tấn Phát, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho rằng, cần nhìn vào bản chất giao dịch để xem xét, thay vì chỉ dựa vào hợp đồng. Chẳng hạn, Trademark hay Franchising?
Trademark không bắt buộc phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trước khi nhượng quyền, nhưng Franchising buộc phải đăng ký. Hay như đánh giá tính hợp lệ dựa vào xét đoán chủ quan, chẳng hạn như phí bản quyền (Royalty) là yếu tố quan trọng, thường bị xem xét chặt chẽ bởi các cơ quan thuế; bị chất vấn và loại khỏi chi phí hợp lệ vì công nghệ chuyển giao đã cũ, lạc hậu...
Thực tế, những câu chuyện như trên vẫn đang tồn tại và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Phạm Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam cho hay, về mặt chính sách, cách nhìn của cơ quan thuế đang dần nghiêng về bản chất (so với hình thức).
Đây là xu hướng đang được triển khai trên thế giới và lần đầu tiên, khái niệm “bản chất quyết định hình thức” chính thức được luật hóa tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, thể hiện rõ tính xu hướng thay đổi phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thông tin từ EY cho biết, số lượng các cuộc thanh-kiểm tra thuế tại doanh nghiệp đã tăng đáng kể thời gian qua, trong đó cơ quan thuế ngày càng quan tâm và xem xét chặt chẽ bản chất, tài liệu của các giao dịch với các bên liên kết, tính hợp lý của phương thức xác định giá, cũng như mức độ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
“Giao dịch của doanh nghiệp ngày càng đa dạng, nếu chỉ nhìn vào giao dịch để đi theo lối suy nghĩ cũ sẽ không xử lý đúng được vấn đề. Do vậy, khái niệm ‘bản chất quyết định hình thức’ là cách để cơ quan thuế hiểu rõ, nắm bắt kịp thời sự biến đổi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng chống được thất thu thuế”, bà Trang nói.
EY Việt Nam khuyến nghị, đối với doanh nghiệp, những thay đổi về chính sách cộng với cách tiếp cận chú trọng đến mô hình kinh doanh và đặc thù ngành của cơ quan thuế trong quá trình thu thuế đòi hỏi doanh nghiệp có sự hiểu biết sâu sắc và bao quát hơn về quy định thuế gắn với hoạt động kinh doanh của mình, qua đó đảm bảo các nghĩa vụ tuân thủ và có các hoạch định thuế hiệu quả.