"Tăng thuế VAT, thiệt thòi sẽ thuộc về người thu nhập thấp"

(ĐTCK) Theo Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% có mặt được trong thực hiện tăng thu ngân sách, nhưng người tiêu dùng, nhất là số đông người dân nghèo sẽ gặp khó khăn, đồng thời kéo theo giá tăng, lạm phát tăng.
Tiến sỹ Lưu Bích Hồ Tiến sỹ Lưu Bích Hồ

Trước đề xuất tăng thuế VAT, ông từng có ý kiến cho rằng cẩn thận sẽ có tác dụng ngược, tăng doanh thu cho Nhà nước nhưng lại tăng lạm phát?

Cá nhân tôi cho rằng việc tăng thuế VAT chắc chắn ít nhiều sẽ làm tăng giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến lạm phát. Khi thảo luận  đề án, chúng ta cần cân nhắc kỹ vấn đề này. 

Hiện nay, nguồn thu từ thuế VAT đóng góp vào tổng ngân sách nước ta được đánh giá ở mức rất cao, trong khi các quốc gia có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới thì lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách của quốc gia đó rất thấp. Vì sao lại có bức tranh đối lập như vậy, thưa ông?

Tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện chiếm hơn 27%, một mức cao hơn cả EU, khu vực có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp VAT của các nước EU vào thu ngân sách chỉ dao động quanh mốc 21%, trong khi mức thuế VAT của nhóm các nước này thường khoảng 20 - 25%.

Điều này cho thấy việc tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện nhiều tổng thu và cơ cơ cấu thu ngân sách. Còn việc các nước thu thuế VAT cao hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ đóng góp vào tổng thu ngân sách thấp hơn là do họ có nhiều nguồn thu khác, do hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ tốt, thuế trực thu nhiều hơn. Nhưng có điều đáng chú ý, phần lớn họ dùng khoản thu từ thuế VAT để làm phúc lợi xã hội như tại các nước Đức, Bắc Âu, một số nước EU khác… nên đánh thuế VAT cao không thiệt thòi gì cho dân.

Còn tại Việt Nam, nguồn thu từ thuế VAT dành cho các hoạt động an sinh xã hội còn chưa nhiều, thực tế là dùng để trám vào các khoản thâm hụt do bội chi quá lớn. Tôi cho rằng song song với tăng thu phải giảm chi thường xuyên, nếu quyết liệt giảm chi mới cân đối được ngân sách. Thực tế hiện nay, tăng thuế VAT là đánh vào người tiêu dùng,  người dân vì mức thuế đánh chung cho tất cả, nên phải nghĩ tới đem lại lợi ích gì cho người dân nữa, chứ không phải chỉ là đóng góp với Nhà nước.

Có chuyên gia kinh tế cho rằng, khi xây dựng một đề án cải cách chính sách thuế, cần xem xét đến ba khía cạnh, gồm hiệu quả kinh tế, tính công bằng và tính khả thi trong quản lý thuế. Với đề xuất tăng thuế VAT lần này, ông thấy có phù hợp với các yếu tố nêu trên?

Về hiệu quả kinh tế, nếu thuế VAT tăng từ 10 lên12%, tôi cho rằng không nhìn thấy ngay được mà phải nhìn trong giai đoạn sau khi có nguồn thu để đầu tư, rót vốn vào kết cấu hạ tầng… Còn hiệu quả kinh tế được tạo ra từ kích thích tiêu dùng nếu coi tiêu dùng là một động lực, thì trước mắt lại là chi tiêu đắt đỏ, người dân sẽ hạn chế tiêu dùng hơn.

Về tính công bằng, tôi cho rằng chính sách này nếu thực thi sẽ không công bằng lắm, bởi thiệt thòi nhiều lại thuộc về người thu nhập thấp. Vấn đề này cần phải xem xét và làm rõ thêm bởi liên quan đến thu nhập và chi tiêu của người dân phải có điều tra tính toán cẩn thận.

Đối với tính khả thi, tôi nghĩ sẽ khả thi về việc thực thi luật. Còn về tính khả thi trong tăng thuế sẽ tăng ngân sách có thể không được như mong muốn, bởi khi giá cả tiêu dùng tăng cao sẽ có một bộ phận lớn người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, kéo theo tổng nguồn thu từ thuế VAT có thể không đạt kỳ vọng. Tôi kiến nghị đối với đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% cần được xem xét cẩn trọng và toàn diện vì lẽ đó.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục