Hộ kinh doanh nộp thuế khoán, nên dù có khuyến khích, nhưng chắc không nhiều người muốn trở thành “doanh nhân” vì phải tuân thủ các quy định về kế toán, hóa đơn, chứng từ, thưa ông?
Hiện có khoảng 3,5 triệu hộ kinh doanh đã được cấp mã số thuế, trong đó có khoảng 2 triệu hộ đang hoạt động, nhưng không muốn thành lập doanh nghiệp. Lý do là, hộ kinh doanh được áp dụng cơ chế khoán thuế đơn giản, dễ dàng và không cần phải tuân thủ các quy định về hóa đơn, chứng từ.
Chính cơ chế khoán thuế đã dẫn tới tình trạng gian lận thuế, tiêu cực trong quản lý thuế và tạo ra môi trường không công bằng giữa doanh nghiệp với hộ kinh doanh.
PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Vì vậy, nếu ngành thuế quản lý hộ kinh doanh cũng như quản lý doanh nghiệp trên nguyên tắc đã tham gia kinh doanh thì phải thực hiện đầy đủ các quy định về kế toán, hóa đơn, chứng từ, thay hóa đơn truyền thống bằng hóa đơn điện tử tiện lợi hơn thì chắc chắn có rất nhiều hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện hóa đơn điện tử với hộ kinh doanh lớn không vấn đề gì, nhưng với hộ kinh doanh nhỏ thì rất khó?
Không nên hiểu hóa đơn điện tử, hay kế toán điện tử là cái gì quá phức tạp. Ví dụ, khi khách hàng mua một hộp kem đánh răng, thậm chí chỉ là gói tăm, hộ kinh doanh bấm vào mã hàng hóa là ngay lập tức doanh thu đã được xác nhận, hóa đơn tự động in ra.
"Quan trọng nhất là phải có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thay vì nghĩ tới việc xử phạt hộ kinh doanh không thành lập doanh nghiệp".
Trong số hơn 2 triệu hộ kinh doanh hiện nay, đa phần đều còn trẻ, hầu hết sử dụng smartphone với rất nhiều ứng dụng tiên tiến hơn rất nhiều mà họ đều thông thạo thì việc lập hóa đơn, chứng từ bằng cách bấm vào mã hàng không có gì là quá khó.
Nhưng thưa ông, vấn đề là phải đầu tư thiết bị, máy móc?
Vì vậy, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có chính sách khuyến khích, bên cạnh chính sách hỗ trợ thủ tục chuyển đổi thành doanh nghiệp; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn lệ phí môn bài trong 2 năm đầu chuyển đổi; miễn phí đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… như trong Dự thảo. Theo tôi, cần bổ sung quy định có chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ đối tượng này áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Ngành thuế muốn quản lý được hộ kinh doanh thì phải đầu tư thiết bị máy móc cho đối tượng này, hoặc khuyến khích họ đầu tư bằng cách giảm tiền thuế phải nộp trong một thời gian nhất định.
Tôi nghĩ, số tiền đầu tư cũng không quá lớn, bởi trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh đã áp dụng công nghệ thông tin để quản lý doanh số hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra hàng ngày.
Khi quản lý được hộ kinh doanh sẽ giảm được thất thu thuế, số tiền đầu tư máy móc, thiết bị ban đầu và tiền đào tạo, hướng dẫn hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ trong buôn bán sớm được thu hồi.
Hơn 2 triệu hộ kinh doanh chỉ đóng vào ngân sách nhà nước khoảng 2% tổng số thu nội địa. Như vậy, việc đầu tư rõ ràng không hiệu quả?
Đừng nghĩ chuyện đầu tư bao nhiêu tiền, thu về bao nhiêu tiền, mà cần phải chuyển hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, tùy tiện kiểu “buôn thúng, bán bưng” lên chuyên nghiệp.
Khi kinh doanh chuyên nghiệp thì chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo đảm, rõ nguồn gốc xuất xứ; dịch vụ cung cấp cho khách hàng sẽ trở lên chuyên nghiệp, tạo sự phát triển bền vững cho xã hội. Đây mới là điều quan trọng, chứ khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp không phải nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Ngoài khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, theo ông, có nên xử lý đối với hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên mà không thành lập doanh nghiệp?
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì kể từ ngày 1/7/2015, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế, quản lý thị trường, bảo hiểm xã hội… có thể xử phạt hành chính, thậm chí đóng cửa với hộ kinh doanh vi phạm. Tuy nhiên, xử lý hành vi vi phạm này rất khó vì có rất nhiều cách để lách luật như hộ kinh doanh chỉ sử dụng thường xuyên 9 lao động, số lao động còn lại sử dụng không thường xuyên, không ký kết hợp đồng lao động hoặc sử dụng tới 20 - 30 lao động nhưng tách ra làm 3-4 hộ kinh doanh do vợ, chồng, con cái đứng tên.
Quan trọng nhất là phải có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thay vì nghĩ tới việc xử phạt hộ kinh doanh không thành lập doanh nghiệp.
Với các chính sách hỗ trợ trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thuế suất chung, hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ trong việc tham gia thị trường mua sắm công; hỗ trợ mở rộng thị trường sản phẩm, hàng hóa, tiếp cận thông tin, tư vấn, đào tạo… chắc chắn, sẽ có rất nhiều hộ kinh doanh tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp vì được hưởng lợi hơn rất nhiều so với việc cứ kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.