Xu hướng liên kết của doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên khi DCM - một công ty sản xuất phân bón và cung cấp giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Viettel. Thế nhưng, trường hợp này lại là minh chứng xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị mới cho hai bên Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị mới cho hai bên

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) chia sẻ, ban đầu, ông không nghĩ đến việc hợp tác chiến lược giữa hai bên, mà chỉ là nhờ Viettel hỗ trợ một số giải pháp về công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với ông Hoàng Sơn - Phó tổng giám đốc Tập đoàn kiêm Tổng giám đốc Viettel Telecom, DCM nhận thấy cơ hội để thay đổi lớn về công tác quản trị, về tạo ra các sản phẩm có giá trị mới.

“Anh Sơn là người đã tạo rất nhiều cảm hứng và hỗ trợ để chúng tôi quyết định ký kết bản thỏa thuận chiến lược này”, ông Tiến nói.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ phối hợp để triển khai các giải pháp về viễn thông, giải pháp về công nghệ thông tin và khai thác dữ liệu nông nghiệp.

Cụ thể, các nội dung hai bên sẽ hợp tác gồm: hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông; hợp tác trong lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin; cung cấp giải pháp dữ liệu nông nghiệp; cung cấp giải pháp hỗ trợ nông nghiệp và hợp tác quảng bá thương hiệu.

“Có thể hình dung một ngày các chuyên gia về nông nghiệp của DCM hỗ trợ, tư vấn bà con nông dân từ xa, ở mọi lúc, mọi nơi mà không nhất thiết phải có mặt tại bờ ruộng”, ông Tiến nhấn mạnh và kỳ vọng, người được hưởng lợi từ việc hợp tác này chính là khách hàng của Công ty - những người nông dân.

Nếu như trước đây, các doanh nghiệp trong nước thường ký kết hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, kỳ vọng tạo ra giá trị mới cho doanh nghiệp, sản phẩm của mình, thì hiện nay, đây không phải là lựa chọn số 1.

Hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt với nhau cũng mang lại nhiều giá trị mới cho doanh nghiệp, đủ để lớn mạnh hơn ở thị trường nội địa, trực tiếp cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Năm ngoái, Vingroup trao cho nhà thầu nội Coteccons gói thầu thực hiện dự án tòa nhà cao 81 tầng, một trong 10 tòa tháp cao nhất thế giới là một điển hình cho thấy sự thành công đó.

Thị trường cũng ghi nhận sự hợp tác giữa Coteccons và nhà sản xuất thép hàng đầu là Hòa Phát. Mới đây, Coteccons đã trở thành nhà thầu xây dựng cho Dự án Khu liên hiệp thép Hòa Phát - Dung Quất, dự án có vốn đầu tư 3 tỷ USD của Hòa Phát.

Thực tế cho thấy, việc tự làm lấy tất cả chưa chắc đã mang lại thành công cho doanh nghiệp bằng việc hợp tác với các công ty có chuyên môn cao.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản, những nhà phát triển dự án bất động sản thành công nhất trên thị trường hiện nay như Novaland, Khang Điền, Vingroup… không phải là những doanh nghiệp sở hữu quy trình khép kín từ xây dựng đến bán hàng.

Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào phát triển quỹ đất và phát triển dự án, bán hàng rồi thuê nhà thầu thực hiện việc xây dựng, tổng thầu thiết kế và thi công.

Tạo ra các liên kết ngang, liên kết dọc để hình thành chuỗi giá trị, xây dựng năng lực cạnh tranh là bài học cơ bản, nhưng đến nay mới được các doanh nghiệp Việt tích cực áp dụng.

Một số trường hợp đáng chú ý là Massan đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để giành quyền sở hữu cổ phần của Vissan trước đối thủ CJ đến từ Hàn Quốc. Hay SSI mới đây bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để sở hữu thêm vài trăm ngàn cổ phần của Bibica nhằm chiếm thế thượng phong trước đối thủ Hàn Quốc là Lotte.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, một “đại gia” nội đang nhòm ngó để trở thành cổ đông chiến lược của một công ty phân phối xăng dầu chiếm thị phần thứ hai trong nước, sau khi công ty chiếm thị phần lớn nhất đã hợp tác với đối tác ngoại. “Đại gia” này sẽ là khách hàng lớn của công ty phân phối mà họ đang nhắm tới.

Tháng trước, trong đoàn nhà đầu tư đi thăm các dự án của Hoàng Anh Gia Lai, trong đó có khu trồng cây ăn trái mà tập đoàn này mới phát triển, có sự tham gia của ông Nguyễn Đức Tài - Tổng giám đốc Thế giới di động, công ty đang phát triển chuỗi Bách hóa xanh. Ông Tài đi chuyến này được cho là để tìm nguồn hàng cho chuỗi bán lẻ, kỳ vọng sẽ là trụ cột tăng trưởng của Công ty trong các năm tới.

So với xu hướng liên kết với doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách sở hữu doanh nghiệp nội để chiếm lĩnh thị trường, thì việc các doanh nghiệp nội hợp tác, liên kết với nhau, sở hữu vốn để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới vẫn còn khá khiêm tốn.

Điều này được giải thích một phần do tiềm lực tài chính, kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp Việt còn thua kém nhà đầu tư ngoại. Một lý do khác là doanh nghiệp nội chưa có đủ tầm nhìn chiến lược và năng lực thực hiện để truyền cảm hứng cho doanh nghiệp khác như trường hợp của Viettel và DCM.

Thành Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục