Xu hướng dòng tiền chảy vào địa ốc 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong đầu tư bất động sản, yếu tố độ tuổi, sở thích mua sắm dường như đang quyết định điểm đến của dòng tiền.
Nhà đầu tư lớn tuổi ưa chuộng đầu tư “đồng gần”. Ảnh: Thành Nguyễn Nhà đầu tư lớn tuổi ưa chuộng đầu tư “đồng gần”. Ảnh: Thành Nguyễn

Trẻ ưa “đồng xa”

“Vợ chồng em tính mua mảnh đất ở Phan Thiết, xen kẹt cũng được, miễn là có khả năng hoàn thiện giấy tờ”. Hưng - một nhà đầu tư F0, bắt đầu câu chuyện về đầu tư bất động sản như vậy. Cậu là nhân viên IT tại một ngân hàng thương mại, còn vợ làm về truyền thông cho một công ty thành viên của Tập đoàn FPT. Sau 5 năm kết hôn, 2 vợ chồng tích cóp được một khoản tiền và cùng có cùng ý định đầu tư vào đất.

Khá ngạc nhiên về ý tưởng này của Hưng, tôi hỏi: “Quanh Hà Nội thiếu gì đất nền, tại sao phải lặn lội vào tận Bình Thuận để đầu tư?” và nhận được câu trả lời tương đối thuyết phục: “Sau mấy lần du lịch trước đó, vợ chồng em quyết định đầu tư đất tại Bình Thuận vì nhận thấy đây là thị trường tiềm năng và quan trọng nhất là với khoảng 1 tỷ đồng có thể mua được một mảnh đất với diện tích mong muốn”.

Và như Hưng kể, dẫu mục đích là tìm mua đất xen kẹt cho rẻ, nhưng vẫn cần phải hoàn thiện được giấy tờ và không quá xa biển, xa các khu đã phát triển du lịch.

“Trong trường hợp đất không tăng giá, thậm chí không bán được, thì vẫn có thể làm cái homestay để ở và cho thuê được, chứ chả mất đi đâu. Hơn nữa, cả hai vợ chồng em đều rất thích nơi đây”, Hưng nói.

Với cùng lý do là khu vực giàu tiềm năng về du lịch và sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn trong tương lai gần, Oanh, một bạn trẻ khác làm trong lĩnh vực marketing cũng quyết định xuống tiền mua một mảnh đất diện tích 2.000 m2 ở khu Dốc Lết, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Lô đất này, vợ chồng cô mua chung cùng người bạn theo tỷ lệ 50/50.

Oanh cho biết, hiện tại, cả vợ chồng cô và người bạn thống nhất sẽ chưa đầu tư ngay vì thị trường bất động sản nơi đây chưa nóng, khả năng tăng giá chưa nhiều. Sau 3 năm, nếu giá tăng tốt thì bán, ngược lại sẽ phát triển mô hình homestay để khai thác cho thuê. Cô còn chia sẻ thêm, thưc tế 2.000 m2 đất đó là hai mảnh sát nhau, chia đều 1.000 m2 mỗi mảnh, vợ chồng cô và bạn mua gộp để phòng trường hợp có khách muốn mua diện tích lớn, hoặc để đầu tư làm homestay thì cũng dễ bề quy hoạch.

Hiện tại, câu chuyện của 2 cặp vợ chồng trẻ Hưng, Oanh không phải là hiếm. Theo tìm hiểu của người viết, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi (trên dưới 30) đầu tư đất ở tỉnh xa. Điểm chung của những nhà đầu tư trẻ này là cùng có quan điểm bất động sản nói chung, đất nền nói riêng luôn là lĩnh vực “hot”, là kênh đầu tư phù hợp nhất cũng như là nơi giữ tiền tốt nhất đối với nguồn tài chính vừa phải của họ.

“Đầu tư vào đất nền thì chẳng bao giờ lo lỗ. Thị trường có thể lên xuống, nhưng nếu là vốn tự có, không đi vay thì chỉ có thắng, vấn đề là kiên nhẫn được bao lâu”, Hưng nhấn mạnh.

Nghỉ dưỡng ven đô đang lên ngôi nhờ trào lưu “staycation. Ảnh: Thành Nguyễn

Nghỉ dưỡng ven đô đang lên ngôi nhờ trào lưu “staycation. Ảnh: Thành Nguyễn

Già chuộng “đồng gần”

Trong khi một lớp nhà đầu tư trẻ tuổi có xu hướng “đi canh tác đồng xa”, thì ở chiều ngược lại, đang có không ít nhà đầu tư luống tuổi lựa chọn “đồng gần”, trong đó các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven đô được ưa chuộng hơn cả.

Cuối tuần vừa rồi, người viết có dịp theo chân các nhà đầu tư tham dự sự kiện mở bán quỹ căn cuối của một dự án nghỉ dưỡng ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và điều gây ngạc nhiên là đa phần nhà đầu tư là người lớn tuổi.

Đem thắc mắc này trao đổi cùng Huyền, nhân viên môi giới của Đất Xanh Miền Bắc, 1 trong 2 đơn vị phân phối dự án thì được biết, phần lớn chủ nhân các căn biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án là người đã về hưu và có tiền nhàn rỗi. Họ đến từ TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và Hà Nội, bởi từ đây chạy xe xuống Việt Trì chỉ mất khoảng 45 phút, còn về Hà Nội cũng chưa đến 2 giờ đồng hồ. Khoảng cách này phù hợp cả với các chuyến đi trong ngày hay dịp cuối tuần cũng như thói quen ngại đi xa, không thích chờ đợi lâu của người già.

“Cũng có một số nhà đầu tư trẻ mua nhà, nhưng cha mẹ đứng ra quản lý để vừa được hưởng quyền lợi nghỉ dưỡng theo năm, vừa đảm bảo khoản thu nhập dưỡng già”, Huyền nói.

Tìm hiểu thực tế tại dự án này, mỗi nhà đầu tư sẽ được hưởng 15 đêm nghỉ dưỡng miễn phí tại chính biệt thự của mình. Ngoài ra, thời gian còn lại chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và chia lợi nhuận ở mức 10-12%/năm. Và với trào lưu “staycation” (nghỉ dưỡng gần nhà), khu nghỉ dưỡng thường kín phòng vào dịp cao điểm, ngày thường công suất cũng có thể đạt khoảng 40%.

Trong chuyến đi, người viết còn có dịp trò chuyện cùng hai nhóm nhà đầu tư, một nhóm 6 người từ Hà Nội, một nhóm 4 người từ Lào Cai và tất cả đều là người “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Tiêu chí đầu tư của nhóm nhà đầu tư này là chọn dự án không quá xa như miền Trung, miền Nam và đầu tư theo nhóm.

Chị Tuyết, một nhà đầu tư Hà Nội giải thích, việc đi theo nhóm giúp chúng tôi dễ lựa chọn được những vị trí đẹp. Giả sử, nhóm có 5-6 người thì tỷ lệ giữ được căn có vị trí đẹp bao giờ cũng dễ hơn là 1 người. Mặc khác, đi đông thì dễ tạo hiệu ứng thị trường, có lợi cho khả năng tăng giá hoặc khai thác sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng có nhà đầu tư lựa chọn những dự án nghỉ dưỡng ven đô với lý do đơn giản là sử dụng số ngày nghỉ dưỡng sao cho hiệu quả, bên cạnh lợi nhuận được chia từ chủ đầu tư.

“Ba gia đình chúng tôi thân nhau, chúng tôi tính mua chung một căn biệt thự, mỗi năm có được 15 ngày nghỉ, cả ba gia đình chia nhau đi làm nhiều đợt. Nếu không sử dụng hết thì chúng tôi tặng cho bạn bè. Tặng bạn bè một kỳ nghỉ mấy đêm nó ý nghĩa hơn tặng chai rượu nhiều lắm. Năm rồi tôi còn đêm nghỉ ở Phú Quốc, nhưng vì xa quá nên chỉ nghỉ được 4/15 đêm…”, một nhà đầu tư lớn tuổi cho hay.

Có thể, câu chuyện của các nhà đầu tư trên chưa thực sự trở thành trào lưu, nhưng đang phản ánh khá sinh động về điểm đến của dòng tiền, cũng là gợi ý cho các chủ đầu tư khi xác định tệp khách hàng tiềm năng.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục