Xu hướng đầu tư dịch chuyển dần về ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái với độ hứng khởi của tháng 8, tháng 9 đang dần trôi qua với nhiều phiên tăng giảm đan xen. Triển vọng của các nhóm ngành cần phải được đánh giá cùng với các thông tin vĩ mô hiện tại.
Dầu khí dự báo sẽ là nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm Dầu khí dự báo sẽ là nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Dịch chuyển sang xu hướng ngắn hạn

Thời gian giao dịch thực tế giảm từ T+3 xuống T+2,5 và giao dịch lô lẻ về lý thuyết sẽ rút ngắn thời gian nắm giữ cổ phiếu, khiến xu hướng đầu tư chứng khoán có thể dịch chuyển dần về ngắn hạn, tăng cường vòng quay tiền và thanh khoản ngắn hạn trên thị trường.

Trong tháng 8, VN-Index là một trong các chỉ số hồi phục tốt nhất và mức hồi phục vượt trội so với cả chỉ số của các thị trường cận biên hay các thị trường mới nổi. Dù vậy, tính từ đầu năm, VN-Index vẫn là một trong các thị trường giảm điểm mạnh trên thế giới. Với các yếu tố ổn định của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng tôi tin vào đà hồi phục của chỉ số, dù gần đây thị trường vẫn tiếp diễn sự rung lắc.

Cũng cần lưu ý là đà tăng của thị trường thời gian qua đến từ các mã cổ phiếu trụ như VCB, BCM hay MWG. Việc các mã vốn hóa lớn nhất thị trường hồi phục giúp chỉ số tăng điểm rất nhanh. Trong tháng 8, VN-Index tăng 6,1% tương đương mức tăng 74 điểm, do đó, khi những trụ cột này kém tích cực, chỉ số thường có sự đảo chiều.

VCB dẫn đầu nhóm ngành ngân hàng với động lực từ thu nhập lãi thuần tăng, được hỗ trợ với tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, với việc tiếp nhận một tổ chức tín dụng “0 đồng” sẽ tạo điều kiện cho VCB được ưu tiên nới room tín dụng, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến những chỉ số của ngân hàng này khi phải giúp đỡ tổ chức tín dụng tái cấu trúc và giải quyết các khoản nợ.

Tác động giảm đến chỉ số hiện tập trung nhiều ở các mã cổ phiếu đã tăng điểm giá trước đó và đang chịu áp lực điều chỉnh như VIB, KBC hay VJC.

Yếu tố khác mà nhà đầu tư cần lưu tâm là thanh khoản. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trong tháng 8 đã có mức cải thiện rất tích cực nếu so với bình quân tháng 7. Dù vậy, gần đây đã có sự suy giảm thanh khoản giao dịch.

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng thanh khoản tăng nhờ các quy định mới như giảm thời gian giao dịch hay giao dịch lô lẻ. Chúng tôi cũng kỳ vọng, thanh khoản quý IV/2022 sẽ được cải thiện, tuy nhiên, điều này thực sự không dễ dàng.

Triển vọng các nhóm ngành

Trong đợt hồi phục của thị trường vừa qua, đa số các nhóm ngành đều tăng điểm. Các nhóm ngành tăng điểm tốt nhất là bán lẻ, dịch vụ tài chính, hóa chất, dầu khí, vật liệu xây dựng và ngân hàng. Dù vậy, triển vọng của các nhóm ngành cần phải được đánh giá cùng với các thông tin vĩ mô hiện tại.

Giá urê và giá thép tăng đồng thuận với phản ứng của thị trường về các nhóm ngành liên quan. Dự kiến, giá thép và hoá chất sẽ tiếp tục phục hồi trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng được khắc phục, mang lại triển vọng lớn cho các ngành vật liệu xây dựng và hoá chất trong quý cuối năm 2022 và sang năm 2023.

Ngân hàng gia tăng lãi suất huy động trong nhiều tháng vừa qua, gây áp lực lên lãi vay cho các doanh nghiệp và việc kiểm soát biên lợi nhuận cho ngân hàng. Giai đoạn này, các ngân hàng có vị thế tốt nếu có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao để giảm thiểu chi phí huy động vốn, ngân hàng có nền tảng hoạt động dịch vụ vững chắc để hỗ trợ doanh thu trong bối cảnh áp lực lên biên lãi ròng (NIM) gia tăng.

Ngành bán lẻ với trụ cột là MWG có thể tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới do doanh số luỹ kế chuỗi Bách Hóa Xanh giảm 14% so với cùng kỳ do phải đóng 400 điểm bán hàng so với đầu năm để thực hiện tái cơ cấu cửa hàng, xu hướng lạm phát gia tăng đến cuối năm 2022 và sang 2023, mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm, nhu cầu về chip làm điện thoại và đồ điện tử chưa được đáp ứng đầy đủ cho dù các nhà máy đã hoạt động hết công suất.

Trong thời gian tới, nhóm dầu khí dự báo sẽ là nhóm ngành đáng được quan tâm. So với đầu năm, mức tăng giá của nhóm ngành này đang là mạnh nhất thị trường, cho dù giá dầu thế giới đang dần giảm sau đợt tăng nóng do xung đột Nga - Ukraine.

Thị trường thời gian qua ghi nhận sự phục hồi thanh khoản tích cực và tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu giảm sâu từ đỉnh đầu năm là chủ yếu. Việc dòng tiền đang dần đổ về các mã chiết khấu rẻ sẽ tạo động lực cho thị trường có khả năng phục hồi trong thời gian tới, nhưng vùng kháng cự quanh 1.310 - 1.320 điểm vẫn là mốc cần chú ý.

Cho đến nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang là nhóm tích cực nhất khi mức suy giảm giá so với đầu năm ở mức thấp nhất.

Nhóm vốn hóa trung bình tăng chậm lại sau khi có đà hồi phục tích cực trước đó. Nhóm vốn hóa nhỏ hồi phục, nhưng thanh khoản lại chưa cải thiện nhiều cho thấy, dòng tiền chưa hướng vào nhóm này.

Sau một thời gian thị trường kém sôi nổi, dòng tiền có phần chuyển hướng tập trung về nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn. Tuy nhiên, xu hướng này có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới do các yếu tố như lãi suất huy động tiếp tục có xu hướng tăng về cuối năm, thu hút nguồn tiền gửi từ các kênh đầu tư khác, trong đó có kênh chứng khoán.

Theo dữ liệu lịch sử được TVSI ghi nhận, VN-Index thường có xu hướng hồi phục đến khi mức P/E tiệm cận ngưỡng bình quân 6 tháng trong ngắn hạn trước khi kỳ vọng vào một nhịp tăng mới. Trong tháng 9, chỉ số ghi nhận mức P/E là 13,5 và áp sát P/E bình quân 6 tháng quanh mức 14. Như vậy, VN-Index gặp khó khăn tại vùng kháng cự 1.310 - 1.320 điểm tương ứng và thực tế, chỉ số đã gặp khó khăn tại vùng kháng cự 1.285 - 1.295 điểm.

Trần Nam - TVSI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ