Dòng tiền đón “sóng” lợi nhuận quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức dường như đang “âm thầm” thâu gom cổ phiếu của một số nhóm ngành có triển vọng tốt quý III và nửa cuối năm.
Quý III/2022, đa số các nhóm ngành dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận tốt trên nền thấp của quý III/2021. Quý III/2022, đa số các nhóm ngành dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận tốt trên nền thấp của quý III/2021.

Khả quan từ mức nền thấp cùng kỳ

Trong các phiên giao dịch nhuốm sắc đỏ vừa qua, thị trường chứng kiến dòng tiền lớn dường như đang có động thái gom hàng rất khéo theo kiểu “vừa đè, vừa gom” khiến giá trị giao dịch của một số nhóm cổ phiếu thép, điện, bán lẻ, ngân hàng… khá tốt, dù giá vẫn lình xình ở trên dưới tham chiếu.

Có lẽ không phải tình cờ khi đây đều là những nhóm ngành dự báo có kết quả lợi nhuận tích cực, hoặc ít nhất là đã tạo đáy chu kỳ thấp và hứa hẹn kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III, quý IV năm nay.

Chẳng hạn, ngành điện được kỳ vọng đạt được tăng trưởng tốt trong năm nay dựa trên mức nền tăng trưởng thấp của năm 2021 và theo đà hồi phục của nền kinh tế. Trong điều kiện bình thường, phụ tải điện có hệ số tăng trưởng thường trên 1,5 đến 1,8 lần tăng trưởng GDP. Theo đó, nhóm thủy điện sẽ được hưởng lợi trong phần còn lại của năm 2022 nhờ vào 2 yếu tố.

Thứ nhất, sản lượng huy động từ nguồn điện tái tạo mới (điện mặt trời và điện gió) biến động mạnh trong ngày và giữa các ngày trong tháng, đồng thời duy trì ở mức thấp trong các tháng đầu năm.

Trong khi điện mặt trời cho thấy thời gian phát điện hiệu quả chỉ khoảng 4 - 5 giờ/ngày, điện gió vẫn cần theo dõi khả năng phát điện theo mùa gió để đánh giá hiệu quả, nên thủy điện vẫn sẽ đóng vai trò là nguồn năng lượng nền tảng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, liên quan đến rủi ro thiếu hụt than và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến nhóm nhiệt điện. Rủi ro thiếu than trong các tháng tới đã khiến các nhà máy phải chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để bổ sung sản lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, do giá than cho hoạt động phát điện bị giới hạn bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thỏa thuận giá với nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà máy.

Thực tế, hiệu quả kinh doanh tại nhóm ngành thuỷ điện và nhiệt điện cũng đang cho thấy sự phân hoá lớn. Ở nhóm ngành thuỷ điện, lượng mưa cơ bản tại khu vực Bắc Bộ trong tháng 7 và tháng 8 ghi nhận cao hơn trung bình năm ngoái từ 20 - 25%. Các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên cũng có lượng mưa cao, đặc biệt tại một số khu vực như Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể cao hơn trên dưới 20% so với cùng kỳ. Do vậy, các nhà máy thủy điện được hưởng lợi từ khi nguồn nước đang ở mức dồi dào, đặc biệt là các nhà máy thủy điện tại miền Trung như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thủy điện miền Trung...

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (mã chứng khoán VSH) cho biết, trong quý III/2022, tình hình thủy văn khá thuận lợi, hoạt động sản xuất của các nhà máy ổn định. Với tình hình hiện tại, VSH có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 với sản lượng điện sản xuất 1.857,23 triệu kWh, doanh thu 2.030,36 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 525,24 tỷ đồng, cổ tức 10%.

Giá cổ phiếu VSH đã tăng 40% trong 4 tháng qua (từ mức 27.000 đồng/CP trong tháng 5 lên 45.000 - 46.000 đồng/CP trong các phiên giao dịch cuối tuần qua, gần với vùng đỉnh lịch sử.

Cổ đông lớn của VSH tiếp tục gom cổ phiếu khi Công ty TNHH Năng lượng REE - công ty con của CTCP Cơ điện lạnh (REE) đăng ký từ ngày 19/9 đến 17/10 mua thêm 4 triệu cổ phiếu VSH. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu sẽ được nâng lên hơn 52%, tương ứng 123,2 triệu cổ phiếu. Động thái mua gom của Năng lượng REE diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VSH vừa có nhịp tăng mạnh, sau một thời gian dài giao dịch khá trầm lắng.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh trong ngành điện cũng đang có sự phân hoá lớn khi diễn biến tại một số doanh nghiệp nhiệt điện có phần khó khăn hơn.

Lãnh đạo CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, quý III là quý thấp điểm đối với PPC khi sản lượng của Công ty thấp hơn, một phần do giá bán điện tăng (chi phí giá than tăng). Bên cạnh đó, áp lực từ nguồn cung dồi dào của hai nguồn thuỷ điện và điện gió đang là lực cản tăng trưởng đối với của nhóm nhiệt điện trong hai quý cuối năm.

Một ngành khác cũng được đánh giá có triển vọng tăng trưởng cao trong quý III so với cùng kỳ gồm bán buôn - bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ không thiết yếu (trang sức, đồ điện tử…) do mức nền lợi nhuận thấp của quý III/2021 vì lý do giãn cách xã hội.

Đơn cử, tại CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), doanh thu trong tháng 7/2022 đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt khoảng 300 tỷ đồng, tăng 32% do mức nền thấp cùng kỳ.

Tháng 8/2022, doanh thu của MWG ước đạt 9.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh tăng vọt lên 8.400 tỷ đồng (tăng 63%), cân bằng cho khoản doanh thu 2.400 tỷ đồng của mảng Bách hóa xanh (giảm 45% so với cùng kỳ). Chuỗi Bách hóa xanh của MWG đã hoàn tất tái cấu trúc trong tháng 8/2022.

Doanh thu của Bách hóa xanh ước đạt 1,3 tỷ đồng/tháng/cửa hàng trong quý III/2022 và có thể đạt 1,5 tỷ đồng/tháng/cửa hàng trong quý IV/2022, góp phần tăng doanh thu của Công ty. Cổ phiếu MWG đang giao dịch ở mức giá 72.000 đồng/CP, tương đương P/E TTM hơn 21 lần, cao hơn mức trung bình 2 năm là 17,3 lần.

Phần lớn dự báo đều cho rằng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở hầu hết các ngành sẽ cải thiện trong quý III/2022 nhờ mặt bằng lợi nhuận thấp cùng kỳ.

Theo FiinTrade, các ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2022 bao gồm các nhóm liên quan đến hoạt động xuất khẩu như thủy sản (tăng trưởng 232%), hóa chất (tăng trưởng 316,9%), phân bón (tăng trưởng 203,1%), may mặc (tăng trưởng 43,4%) khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý III/2022. Ngược lại, một số ngành hưởng lợi từ sự hồi phục về cầu như Bán lẻ và Điện đang được kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong quý III/2022.

Bên cạnh đó là nhóm hàng không, du lịch, khách sạn, do quý III năm ngoái, nhu cầu du lịch suy giảm mạnh vì giãn cách xã hội…

Dòng tiền đón xu thế

Khuyến nghị về các nhóm cổ phiếu có triển vọng, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, nhóm cổ phiếu điện với mức độ phòng vệ lạm phát khá tốt, ít bị phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế trong khi sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu hồi phục sau dịch là những thông tin quan trọng để đầu tư vào nhóm này.

Bên cạnh đó, các thông tin về chính sách và quy hoạch điện cũng là những yếu tố cần chú ý khi đầu tư vào nhóm điện trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, theo phân tích từ Công ty Chứng khoán DSC, nhóm ngành dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong quý III/2022 là ngành du lịch, một phần nhờ các chính sách hỗ trợ và nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu du lịch hè tăng cao và các đường bay quốc tế bắt đầu đón khách.

Tuy nhiên, phần lớn lý do giải thích cho sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ sẽ nằm ở yếu tố nền thấp, do tình trạng giãn cách xã hội cùng kỳ năm 2021. Với ngành này, cũng có một số khó khăn cần lưu ý là giá nhiên liệu tăng cao trong phần lớn thời gian của quý III/2022 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải hành khách.

Nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ sân bay, hoặc du lịch truyền thống, để phòng tránh rủi ro trên.

Trong quý III, dự báo lợi nhuận của một số doanh nghiệp đã tạo đột phá trong 6 tháng đầu năm sẽ chậm lại, vì vậy về cơ bản nhà đầu tư vẫn quan tâm kết quả kinh doanh cả năm nhiều hơn.

Một số cổ phiếu đại diện các ngành như phân bón, bán lẻ, khu công nghiệp dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng như kế hoạch.

Sự kỳ vọng tăng trưởng sẽ hướng vào từng cổ phiếu với mỗi câu chuyện riêng nhiều hơn là sự tăng trưởng cả ngành như đợt hồi phục trước của thị trường.

Trong đó, dù mỗi doanh nghiệp với mỗi mảng thị trường riêng có thể tạo ra những câu chuyện riêng, nhưng nhìn tổng thể, có những nhóm cổ phiếu đã và đang được kỳ vọng cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn.

Chẳng hạn, nhóm xuất khẩu được kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, nhưng áp lực kinh doanh lên khối này cũng không nhỏ khi mà lạm phát tại nhiều nước nhập khẩu hàng Việt Nam ở mức cao khiến chi tiêu hạn chế.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục