Xoay trục sang sản xuất, SMC vững vàng tiến bước

(ĐTCK) Từ một doanh nghiệp thuần phân phối thép xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư SMC (SMC) đã có bước chuyển hướng đi sâu vào sản xuất và gia công chế biến, trở thành nhà phân phối chuyên nghiệp.
Nhà máy của SMC đã đi vào hoạt động ổn định, trở thành trụ cột cho sự phát triển của Công ty trong dài hạn

Đến nay, Công ty đã có tổng cộng 5 nhà máy với tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng, trong đó mới nhất là nhà máy sản xuất ống thép các loại chính thức hoạt động từ năm 2016, bước đầu có hiệu quả khá tốt.

Trong chiến lược phát triển, SMC lấy thương mại làm nền tảng để xây dựng thương hiệu, củng cố nội lực, tích lũy nguồn vốn, từng bước đầu tư qua gia công, chế biến. Từ năm 2016, nhà máy gia công chế biến của SMC đã đi vào hoạt động ổn định và phát triển, trở thành trụ cột cho sự phát triển của Công ty trong dài hạn.

Hướng đi của SMC được đánh giá là đúng đắn, phù hợp bởi thương mại và chế biến đều có những ưu và nhược điểm riêng, kết hợp cả hai mảng này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển bền vững hơn. Theo đó, nếu chỉ đơn thuần hoạt động thương mại, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng mạnh. Trong khi tham gia mảng gia công chế biến, biên lợi nhuận có thể không cao nhưng giúp Công ty hoạt động ổn định, nhờ chủ động cung cấp đa dạng các sản phẩm, phù hợp với từng giai đoạn thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT SMC cho biết, nhờ các nhà máy sản xuất, SMC đã tạo dựng nên mối quan hệ ngày càng thuận lợi với các nhà sản xuất thép hàng đầu châu Á như Nippon Steel (Nhật Bản), China Steel (Đài Loan), Hyundai Steel (Hàn Quốc), và nhà máy Formosa – Hà Tĩnh;  từ đó tạo ra sự chuyển dịch dần từ hoạt động thuần thương mại phân phối thép xây dựng sang gia công chế biến và tiêu thụ các loại thép dẹt với mức lợi nhuận biên cao và lượng khách hàng ổn định hơn. Năm 2016, tỷ lệ tiêu thụ thép dẹt của SMC đã đạt mức 42% và đang hướng đến mục tiêu 50% trong thời gian tới.

Năm 2017, SMC tiếp tục củng cố và gia tăng năng lực sản xuất nên sẽ trình cổ đông kế hoạch đầu tư dự án nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm sau thép tại Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng, trong đó 250 tỷ đồng vốn cổ phần và 500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay. Đầu tư hoàn chỉnh 1 dây chuyền tẩy và dây chuyền mạ khổ 700m/m, với tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng tại SMC Cơ khí. Tiếp tục giai đoạn 2 nhà máy liên doanh ống thép Sendo, nâng công suất hoạt động lên gấp đôi so với hiện tại. Dự kiến đến giữa năm 2018 sẽ đạt sản lượng 10.000 - 12.000 tấn/tháng.

Về kế hoạch kinh doanh, dự báo thị trường ngành thép sẽ có diễn biến phức tạp bởi giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc… dao động, khó giữ ổn định. Mặc dù giá thép đầu năm 2017 tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào như than và quặng tăng mạnh, nhưng không loại trừ khả năng đảo chiều, nhất là từ quý II. Giá cả hàng hóa của các mặt hàng khác cũng đang có xu hướng chững lại do một số lo ngại từ tình hình kinh tế thế giới và giá thép cũng không ở ngoài xu thế này.

Theo đó, năm 2017, SMC đặt kế hoạch tối thiểu 1.050 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, tăng 87,5% so với kế hoạch lợi nhuận cũ là 80 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến không thấp hơn 8%/năm. Với những dự báo trên, ông Ngọc Anh cho rằng, đây là kế hoạch phù hợp của Công ty.

Được biết, 2 tháng đầu năm 2017, SMC ước đạt 75 tỷ đồng lợi nhuận, dự kiến cả quý I là 100 tỷ đồng, gần bằng 70% so với kế hoạch cả năm.

Kết thúc năm 2016, sản lượng thép tiêu thụ của SMC hơn 1,04 triệu tấn, tăng nhẹ 3,8% nhưng do mặt bằng giá bán bình quân thấp hơn năm 2015 nên doanh thu thuần Công ty chỉ đạt 9.441 tỷ đồng, giảm 6%. Tuy nhiên, nhờ hưởng lợi từ xu hướng phục hồi giá nhanh và mạnh hơn dự kiến, lãi sau thuế SMC đạt 362,2 tỷ đồng, gấp 6 lần kế hoạch đề ra. Nhờ vậy, SMC đã xóa được lỗ lũy kế và có nguồn lợi nhuận để lại đảm bảo hỗ trợ cho hoạt động của Công ty theo định hướng chiến lược và tăng trưởng trong giai đoạn mới.

Ông Ngọc Anh chia sẻ, thành quả mà SMC đạt được trong năm 2016 không chỉ gói gọn trong những con số mà đó còn là cả quá trình với sản lượng tiêu thụ không ngừng gia tăng qua các năm. Theo tính toán của SMC, Công ty phải mất 2-3 năm mới xóa được lỗ lũy kế nhưng kết quả đạt được trong năm 2016 đã mang lại sự phấn khởi, tự tin cho toàn Công ty tiến bước vững vàng hơn trong cuộc đua mới.  

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục