Mong thoái vốn
Cuối năm 2012, thương vụ mua lại 70% cổ phần Xi măng Thăng Long của Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) đã mang lại niềm vui lớn cho các cổ đông công ty này, khi họ “giải phóng” được lượng cổ phần mà từ lâu không còn mong muốn nắm giữ. Một số nhà máy xi măng khác cũng đang trong quá trình mua bán, sáp nhập, nhưng một đại gia nước ngoài tương tự như Semen Gresik được nhận định là khó xuất hiện trong năm 2013.
Xuất khẩu xi măng là giải pháp tình thế, chứ không thể tính chuyện có lãi
Điểm mặt các dự án xi măng đã và có thể sẽ được mua lại như: The Vissai mua Xi măng Đô Lương và Đồng Bành, Viettel và SCIC đỡ gánh nặng Xi măng Cẩm Phả cho Vinaconex, VICEM được giao mua hoặc nhận lại Xi măng Hạ Long từ Sông Đà…, có thể thấy, không ai trong số những “ông lớn” của Việt Nam có “tiền tươi thóc thật” như Semen Gresik. Ngay như VICEM - nhà sản xuất xi măng số 1 Việt Nam với 32,5% thị phần cũng đang phải cân đối trả nợ đầu tư. Phương án “nhận lại” Xi măng Hạ Long cũng chỉ là giảm bớt gánh nặng cho nhà máy này.
Mơ cổ tức
Năm 2012, trong “họ” VICEM chỉ có Xi măng Hoàng Mai (HOM) chi trả cổ tức 5%. Còn Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Bút Sơn (BTS), Hà Tiên (HT1) đều thống nhất không chia cổ tức. Sở dĩ HOM chi trả cổ tức theo dự kiến bởi Công ty đã trả gần hết nợ đầu tư và cân đối được dòng tiền.
Ngoài “họ” VICEM, mới chỉ có Xi măng FICO chia sẻ sẽ chi trả cổ tức năm 2012. Đại diện của công ty này cho biết, hiện vẫn chưa có con số chính xác kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2012, nên chưa quyết định chia cổ tức như thế nào.
Ông Mai Ngọc Liêm, Chủ tịch HĐQT Xi măng FICO cho hay, Công ty đang kinh doanh hiệu quả và dự kiến trong quý I/2013 sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên 1.300 tỷ đồng.
Theo nhận định của một số chuyên gia cho ngành xi măng cho năm 2013 thì “cao lắm cũng bằng năm 2012, chứ không mơ gì đến tăng trưởng”. Thậm chí, cổ đông của nhiều công ty không trông mong cổ tức, mà hy vọng DN không phá sản. HT1, BCC hay BTS vẫn đạt được một số chỉ tiêu kinh doanh 2012 theo dự kiến, nhưng 3 công ty này đều “dính” trả nợ đầu tư. Năm 2012, “họ” VICEM đã thu xếp trả được khoản nợ 4.700 tỷ đồng theo kế hoạch (bao gồm cả các đơn vị chưa cổ phần hóa), con số này chiếm xấp xỉ 13% doanh thu (trên 28.000 tỷ đồng) của VICEM. Ông Trần Việt Thắng, Chủ tịch HĐQT BCC, đồng thời là Tổng giám đốc của HT1 nhận định, “khó có cổ tức cho vài năm tới”.
So với các “ông lớn” khác trong ngành xi măng như Hạ Long, Cẩm Phả hay Đồng Bành, thì các đơn vị thuộc “họ” VICEM vẫn còn “long lanh” khi cân đối được tài chính. Trên thực tế, hầu hết dự án xi măng có suất đầu tư lớn đang trong kỳ trả nợ đầu tư, nên chi phí tài chính gần như “ngốn” hết lợi nhuận. Chẳng hạn, Xi măng Cẩm Phả có suất đầu tư gần 2,65 triệu đồng/tấn, với 80% vốn vay; Xi măng Hạ Long có suất đầu tư 3,2 triệu đồng/tấn, với 85% vốn vay. Ngay như Xi măng Vinacomin (hợp nhất của 3 thương hiệu Tuyên Quang, La Hiên và Quán Triều) có suất đầu tư thấp, vốn vay không đáng kể, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu là đá thải trong quá trình khai thác than, nhưng vẫn “chưa tính đến việc trả cổ tức”.
Năm 2013, gánh nặng trên vai các DN xi măng chưa thể nhẹ đi, thì dự báo tiêu thụ xi măng cũng chỉ tăng khoảng 4 - 5%. Đây là mức tăng chung của toàn ngành, nhưng nhìn vào thực tế tiêu thụ năm 2012 ước đạt 53,61 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 45,5 triệu tấn, ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: “Năm 2013, tiêu thụ trong nước có thể chỉ bằng năm 2012, còn con số dự báo tăng là do xuất khẩu. Trong khi đó, hầu hết DN xuất khẩu đều cho rằng, xuất khẩu là giải pháp tình thế, chứ không thể tính chuyện có lãi”.