Sự kiện Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình) khánh thành Nhà máy Xi măng The Vissai Hà Nam (công suất 3.000 tấn clinker/ngày) mới đây được xem như một cam kết cho việc chọn hướng kinh doanh xi măng, mà xuất xuất khẩu là kênh tiêu thụ chủ lực.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Hội đồng Thành viên The Vissai cho biết, Tập đoàn đang tự chủ trong hoạt động điều hành sản xuất và kinh doanh tiêu thụ xi măng, trong đó xuất khẩu là kênh tiêu thụ tương đương về sản lượng so với tiêu thụ nội địa.
Năm qua, dù nhu cầu xi măng trong nước tăng không nhiều, nhưng Tập đoàn vẫn duy trì sản lượng ra lò 6,2 triệu tấn, tiêu thụ 5,9 triệu tấn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Liên quan đến câu chuyện xuất khẩu xi măng của phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa đạt hiệu quả cao, giá không tốt (nếu so với tiêu thụ nội địa), ông Trường khẳng định: “Xi măng và clinker của Tập đoàn The Vissai đang xuất khẩu với giá tốt và không có chuyện giá xi măng, clinker xuất khẩu của Tập đoàn thấp hơn giá bán nội địa”.
Tất cả hợp đồng xuất khẩu của Tập đoàn đều có giá khoảng 54 - 60 USD/tấn, tùy thuộc từng vùng miền, thị trường khác nhau trên thế giới. Thời gian tới, The Vissai sẽ hướng tới những sản phẩm phù hợp, để đạt được mức giá kỳ vọng như thị trường Nhật Bản (80 USD/tấn).
Đặc biệt, nhờ duy trì kênh xuất khẩu trong những năm qua, các doanh nghiệp xi măng trong nước nói chung và The Vissai nói riêng đã duy trì được sản xuất, giảm áp lực dư thừa trong nước, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, thu được ngoại tệ, có dòng tiền trả nợ gốc và lãi vay, tạo cơ sở để các nhà máy đều hoạt động ổn định…
Năm qua, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm 38% thị phần xi măng cả nước, cũng có một năm xuất khẩu khá thành công, với 2,3 triệu tấn bao gồm cả xi măng và clinker, nâng tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 21.608 triệu tấn, tăng 7,8% so với năm 2012.
Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem, mục tiêu của doanh nghiệp vẫn là hiệu quả và với thực tế ngành xi măng hiện nay, xuất khẩu đang là giải pháp mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
“Xuất khẩu sẽ giúp giảm áp lực tồn kho xi măng trong nước và thu được ngoại tệ. Giá xuất clinker của Việt Nam hiện khoảng 38-39 USD/tấn (tương đương 800.000 đồng/tấn), trong khi giá xi măng xuất khẩu khoảng 55 USD/tấn (tương đương 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn)”, ông Khải nói và cho biết, với mức giá xuất khẩu này, Vicem đảm bảo bù được chi phí sản xuất, lãi vay và các chi phí khác.
Hiện Vicem đang triển khai ráo riết các giải pháp, phấn đấu năm 2014 xuất khẩu ủy thác cho các đơn vị khoảng 2,6 triệu tấn sản phẩm (2 triệu tấn clinker và 600.000 tấn xi măng).
Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2014 khoảng 62-63 triệu tấn, tăng 1,5-3% so với năm 2013, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 13,5-14 triệu tấn.
Như vậy, nếu doanh nghiệp không duy trì tốt kênh xuất khẩu, thì khó khăn với ngành xi măng sẽ rất lớn. Vì vậy, bài toán trước mắt với doanh nghiệp xi măng là tiến tới gia tăng tỷ lệ xuất khẩu, giảm sản lượng clinker, để thu được hiệu quả kinh tế cao cho cả doanh nghiệp và quốc gia.