Thực tế, tài chính là vấn đề cơ bản khiến trong nhiều năm, Xi măng Cẩm Phả không thể “trở mình”. Công ty có suất đầu tư tương đối cao (tổng mức đầu tư 6.372 tỷ đồng/công suất 2,3 triệu tấn), chưa kể đến việc Nhà máy chậm hoàn thành 2 năm so với quyết định phê duyệt đầu tư ban đầu. Với mức đầu tư lớn như trên đã khiến Xi măng Cẩm Phả sau này phải “còng lưng trả nợ”, nhất là Nhà máy đi vào hoạt động đúng lúc thị trường gặp khó khăn. Đến hết quý I/2012, con số lỗ lũy kế của Nhà máy lên tới 1.239 tỷ đồng.
Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), đơn vị từng có thông tin sẽ nhận Xi măng Cẩm Phả cũng nhận xét, thực ra, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề tài chính, còn xét về vị trí, chất lượng clinker, hay thị trường thì hoàn toàn thuận lợi. Mặc dù nhìn thấy lợi thế của Xi măng Cẩm Phả, nhưng VICEM cũng không mấy “dư dả” để nhận công ty này.
Tuy nhiên, với một tập đoàn “giàu có” như Viettel thì là chuyện khác. Nhận thấy lợi thế của Xi măng Cẩm Phả, Viettel đã bỏ ra 127 triệu USD để sở hữu 70% cổ phần của nhà máy này. Sau khi tiếp quản Xi măng Cẩm Phá, Viettel cũng đã thể hiện tầm nhìn của một “ông chủ lớn” khi trao chiếc ghế Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho ông Hoàng Xuân Vịnh, một người cũ của VICEM, mà gần đây nhất, ông giữ chức Phó tổng giám đốc Xi măng Hoàng Mai.
Thời kỳ ở Xi măng Hoàng Mai, ông đã cùng lãnh đạo thực hiện tái cấu trúc tài chính thành công, giúp công ty này sản xuất - kinh doanh hiệu quả (năm 2007 - 2008), “trả lại” cho VICEM một doanh nghiệp kinh doanh ổn định. Trước đó, Xi măng Hoàng Mai “nổi tiếng” về kỷ lục tỷ lệ vốn vay/vốn đầu tư với con số 100% trong 3.295 tỷ đồng vốn đầu tư là vốn vay, trong đó 90% là vay ngoại tệ. Vì vậy, Xi măng Hoàng Mai luôn phải chịu áp lực nợ nần và thua lỗ.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản khi được trao “chiếc ghế nóng” tại Xi măng Cẩm Phả, ông Vịnh trải lòng: “Thực ra, tôi may mắn hơn lãnh đạo tiền nhiệm vì được ‘bơm’ tiền để thực hiện tái cấu trúc tài chính. Khi tôi về, sản phẩm Xi măng Cẩm Phả đã có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường. Nhà máy sản xuất ổn định, cán bộ công nhân viên là những người nhiệt tình, đoàn kết”.
Thực tế cho thấy, dù thị trường tiêu thụ xi măng cạnh tranh khốc liệt, tiêu thụ chỉ đạt 82% công suất thiết kế, nhưng Xi măng Cẩm Phả dù là cái tên mới, nhưng lại có kết quả tiêu thụ đáng nể, với 2,1 triệu tấn sản phẩm (xi măng và clinker) trong năm 2012, trong đó, xuất khẩu 0,94 triệu tấn clinker (chiếm 45% sản lượng). Năm 2013, sản lượng tiêu thụ của Nhà máy đạt 2,3 triệu tấn, nhưng xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ 31%, đạt 0,75 triệu tấn clinker. Như vậy, lượng tiêu thụ trong nước của Công ty đã tăng 37,9%, từ 1,16 triệu tấn năm 2012 lên 1,6 triệu tấn trong năm 2013, trong khi tổng sản lượng tiêu thụ trong nước của toàn ngành chỉ nhích nhẹ khoảng 1%, đạt mức 45,5 triệu tấn. Điều này cho thấy, sản phẩm của Xi măng Cẩm Phả không chỉ trụ vững, mà còn dần gia tăng thị phần trong nước.
Ông Nguyễn Việt Tùng, Trưởng phòng Thị trường Xi măng Cẩm Phả cho biết, Công ty vẫn giữ vững thị phần tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, còn tại phía Nam, thị trường chủ lực là Bà Rịa - Vũng Tàu. Với lợi thế gần cảng, vận chuyển bằng tàu biển lớn, chi phí thấp, nên giá bán xi măng tại trạm nghiền phía Nam của Công ty khoảng 1,3 triệu đồng/tấn, có khả năng cạnh tranh.
Không chỉ đang dần khẳng định vị thế ở thị trường trong nước, Xi măng Cẩm Phả còn có ưu thế trên thị trường xuất khẩu. Công ty hiện sở hữu nhiều lợi thế so với các nhà sản xuất trong nước khác như gần cảng biển cho tàu trên 10.000 tấn cập cảng, không mất thời gian chờ tàu, chất lượng clinker tốt và ổn định, cùng với chế độ hậu mãi bài bản. Vì vậy, trong đợt tăng giá hồi tháng 9/2013 vừa qua, trong khi nhiều nhà sản xuất phải “ngậm ngùi” chịu mất khách hàng, thì Xi măng Cẩm Phả vẫn giữ vững thị phần xuất khẩu, dù mức giá xuất khẩu lúc nào cũng thuộc loại cao nhất Việt Nam.
Cùng với cơ cấu lại tài chính, hiện Xi măng Cẩm Phả đã chạy vượt công suất thiết kế. Trong năm 2014, khi cải tạo xong lò, Công ty sẽ chạy 6.300 tấn/ngày, thay vì 6.000 tấn/ngày như hiện nay. Dự kiến, Công ty sẽ tiêu thụ 1,7 triệu tấn xi măng và xuất khẩu khoảng 0,65 triệu tấn clinker. Nếu thị trường tiêu thụ không có biến động quá lớn, thì khả năng có lãi trong năm 2014 của Công ty là trong tầm tay.