Viettel “cứu” Vinaconex thoát khỏi nỗi ám ảnh Xi măng Cẩm Phả

(ĐTCK) Bán nợ lại cho Viettel, một tập đoàn “nhà giàu”, Vinaconex sẽ ngay lập tức thoát được nỗi ám ảnh mang tên Xi măng Cẩm Phả.
Viettel “cứu” Vinaconex thoát khỏi nỗi ám ảnh Xi măng Cẩm Phả

Sáng ngày 24/10/2013, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký hợp đồng mua 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả từ Vinaconex trong tổng số trên 99% vốn điều lệ của Xi măng Cẩm Phả mà Vinaconex sở hữu. Với thương vụ này, Vinaconex sẽ giải phóng được áp lực tài chính, đồng thời mở ra hướng đi mới cho chính Xi măng Cẩm Phả .

 

Vinaconex trút được áp lực tài chính

Nguồn tin của ĐTCK cho biết, theo hợp đồng ký ngày 24/10, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) ký hợp đồng bán 70% vốn cổ phần của Xi măng Cẩm Phả cho Tập đoàn Viettel. Kèm theo việc bán cổ phần này sẽ là bán cả phần nợ của Xi măng Cẩm Phả do Vinaconex bảo lãnh. Tổng giá trị của thương vụ này là 127 triệu USD.

Như vậy, sau 4 năm đẩy mạnh tái cấu trúc, Vinaconex đã đặt bước chân đầu tiên vào đích thoái vốn Xi măng Cẩm Phả.

Theo hợp đồng, trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký, các bên phải hoàn tất nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng này.

Điều này đồng nghĩa với việc Vinaconex sẽ giảm được áp lực tài chính liên quan đến Xi măng Cẩm Phả .

Sau khi hoàn tất thương vụ, Vinaconex vẫn còn khoản đầu tư cổ phần trị giá gần 30% vốn điều lệ của Xi măng Cẩm Phả, nhưng việc ký hợp đồng với Viettel sẽ mang lại cho Vinaconex 3 điểm ưu việt là: giảm được nguy cơ mất khả năng thanh toán do bảo lãnh khoản vay của Xi măng Cẩm Phả; thu hồi được phần tiền đã trả nợ thay Xi măng Cẩm Phả và tránh được nguy cơ tiếp tục thua lỗ từ Xi măng Cẩm Phả, khi Xi măng Cẩm Phả tiếp tục hạch toán lỗ.

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2013 mà Vinaconex gửi các cổ đông hồi đầu năm, Xi măng Cẩm Phả trong quá khứ thực sự là gánh nặng tài chính của Tổng công ty. Chi phí lãi vay lớn, dù năm 2012 đã giảm về mức 599 tỷ đồng so với năm 2011 là 640 tỷ đồng, nhưng do hoạt động ngành xi măng gặp khó, thu nhập trước lãi vay và khấu hao (EBITDA) của công ty này chỉ đạt 396 tỷ đồng, nên năm 2012, Xi măng Cẩm Phả vẫn lỗ.

Viettel “cứu” Vinaconex thoát khỏi nỗi ám ảnh Xi măng Cẩm Phả ảnh 1

Xi măng Cẩm phả có công suất 2,3 triệu /năm

Đến hết năm 2012, lỗ lũy kế của Xi măng Cẩm Phả là 1.588 tỷ đồng, chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá 213 tỷ đồng, khiến Xi măng Cẩm Phả đã khó khăn, càng khó khăn hơn.

Xi măng Cẩm Phả lỗ, hệ lụy rõ ràng nhất là Vinaconex theo đó cũng phải hạch toán một khoản lỗ rất lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Vinaconex trong mắt nhà đầu tư.

Với việc chỉ còn sở hữu 30% vốn điều lệ Xi măng Cẩm Phả , kể từ thời điểm hợp đồng hoàn tất, nếu tình hình kinh doanh của Xi măng Cẩm Phả chưa tốt lên, thì Vinaconex cũng sẽ chỉ phải hạch toán một khoản lỗ nhỏ hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Điểm thứ hai đáng quan tâm là Vinaconex sẽ thu hồi được công nợ từ Xi măng Cẩm Phả và giảm áp lực tài chính từ nghĩa vụ bảo lãnh nợ. Với vai trò là cổ đông lớn, đơn vị ký bảo lãnh các khoản vay của Xi măng Cẩm Phả , Vinaconex cũng chịu trách nhiệm liên đới không nhỏ.

Đến đầu năm 2013, tổng số tiền mà Tổng công ty đã phải trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả lên tới 2.393 tỷ đồng, trong khi bản thân Vinaconex cũng chịu sức ép khá lớn về dòng tiền, do thị trường bất động sản trầm lắng.

Cũng trong ĐHCĐ năm 2013, Ban lãnh đạo Vinaconex đã nêu rõ: Phải thoái vốn khỏi Xi măng Cẩm Phả, Vinaconex mới tránh được nguy cơ mất khả năng thanh toán và thu hồi được phần nợ đã trả thay Xi măng Cẩm Phả. Bán nợ lại cho Viettel, một tập đoàn “nhà giàu”, Vinaconex sẽ ngay lập tức thoát được nỗi ám ảnh mang tên Xi măng Cẩm Phả .

 

Bài toán “win - win” cho tất cả các bên

Trút được gánh nặng tài chính, Vinaconex không chỉ bớt được “cục nợ”, mà thêm vào đó là tìm được “người mẹ đỡ đầu” tốt hơn cho Xi măng Cẩm Phả . Một tổ chức khác cũng được lợi từ thương vụ này là Bộ Tài chính, do cơ quan này đã bảo lãnh nợ vay nước ngoài của Vinaconex đối với các khoản vay đầu tư cho Xi măng Cẩm Phả. Khi khoản nợ vay của Xi măng Cẩm Phả thông qua Vinaconex được Viettel tất toán, sẽ làm giảm áp lực bảo lãnh cho khoản vay của Bộ Tài chính.

Đánh giá về Xi măng Cẩm Phả của Vinaconex tại thời điểm đầu năm 2013 cho thấy, trong các năm qua, việc tái cấu trúc Xi măng Cẩm Phả đã giúp Công ty giảm lỗ đáng kể. Từ chỗ lỗ 486 tỷ đồng năm 2011, năm 2012, Xi măng Cẩm Phả chỉ còn lỗ 316 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, áp lực tài chính hiện hữu khiến Tổng công ty không thể tiếp tục hỗ trợ Xi măng Cẩm Phả được nữa, trong khi nếu có thêm nguồn lực tài chính, Xi măng Cẩm Phả sẽ có thể chuyển từ lỗ sang lãi”, báo cáo viết.

Cũng theo đánh giá của Vinaconex, EBITDA của Xi măng Cẩm Phả vẫn dương và có thể có tiền đề đi lên, nếu được hỗ trợ về nguồn vốn kinh doanh, chưa nói đến các vấn đề về tình hình vĩ mô.

Khi về với Viettel, sức ép lãi vay của Xi măng Cẩm Phả được kỳ vọng sẽ giảm mạnh và có khả năng sẽ được hỗ trợ nguồn vốn lưu động từ “mẹ mới”, nên Xi măng Cẩm Phả có triển vọng để mở rộng kinh doanh.

Còn với “nhà giàu” Viettel, nhận thêm Xi măng Cẩm Phả sẽ giúp chuỗi giá trị của Tập đoàn này trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản mở rộng.

Trong khi đó, với số tiền 127 triệu USD, Viettel sẽ khó có thể xây dựng được một nhà máy công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm đủ điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài như Xi măng Cẩm Phả hiện nay. Đây có lẽ là lý do chính khiến Viettel quyết định “mở hầu bao” mua Xi măng Cẩm Phả .

>> Vinaconex bán Xi măng Cẩm Phả cho Viettel

>> Xi măng Cẩm Phả: Đổi tướng, chờ đổi vận

>> Vinaconex chào bán gói lớn Xi măng Cẩm Phả  

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục