Xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư đánh giá khả năng trả nợ của tổ chức phát hành. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và chính các nhà đầu tư hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc xếp hạng tín nhiệm. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Tất cả các thị trường mới nổi cũng như thị trường phát triển đều chú trọng phát triển thị trường vốn và xếp hạng chỉ là một phần của toàn bộ hệ thống thị trường vốn. Chúng ta không được xem xếp hạng như là một công cụ tài chính riêng biệt, mà phải nhìn đến vai trò của xếp hạng trong tương quan chung với việc phát triển hệ thống tài chính của đất nước và cuối cùng là nền kinh tế. Điều rất quan trọng là chúng ta cần phải nhìn thấy sự liên kết.
Ông Michael Goh, một chuyên gia tài chính quốc tế tại Singapore |
Nói chung, đầu tư không chỉ để thắng nhanh, mà còn để thành công lâu dài. Kiếm tiền dễ dàng và nhanh chóng là nguy hiểm và không bền vững. Do đó, không được coi xếp hạng là một công cụ kiếm tiền nhanh chóng và điều đó không tốt cho các nhà đầu tư, tổ chức phát hành và nền kinh tế. Xếp hạng là một công cụ tốt để phát triển hệ thống tài chính, là trái tim của nền kinh tế.
Vậy thì trước hết, xếp hạng tín nhiệm là gì? Xếp hạng tín nhiệm là việc thẩm định khả năng trả nợ của một doanh nghiệp phát hành trái phiếu hay khả năng thu hồi vốn từ một công cụ nợ là trái phiếu doanh nghiệp từ một dự án kinh doanh. Công ty xếp hạng tín nhiệm thẩm định khả năng trả nợ của một doanh nghiệp qua việc nghiên cứu các báo cáo tài chính, các dữ liệu tài chính mà công ty thu thập được từ doanh nghiệp được xếp hạng.
Công ty xếp hạng tín nhiệm sử dụng các phương pháp khoa học mang tính định lượng và định tính để đi đến kết quả xếp hạng từ rủi ro thấp nhất đến rủi ro cao nhất. Việc xếp hạng này được thể hiện trên những thang điểm từ AAA cao nhất xuống đến thang điểm thấp nhất là D (default - Vỡ nợ).
Các thang điểm này có thể chia làm 2 nhóm: nhóm đầu tư (investment grade), hay thuộc các danh mục nên đầu tư và nhóm không đầu tư (non-investment grade), hay không thuộc các danh mục nên đầu tư. Việc xếp hạng giúp nhà đầu tư thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và từ đó đi đến lựa chọn mua trái phiếu doanh nghiệp. Xếp hạng tín nhiệm cũng giúp các nhà đầu tư xác định lãi suất của các trái phiếu phát hành có phù hợp với mức độ rủi ro mà công ty xếp hạng tín nhiệm đã đưa ra.
Một hệ thống tài chính có hai trụ cột, ngân hàng và thị trường vốn phải hoạt động tốt với nhau. Xếp hạng là một trong những công cụ để làm cho sự kết nối này trở nên hiệu quả hơn, bằng cách giúp những người cần tiền và những người có tiền gặp nhau một cách hiệu quả, minh bạch và ở mức giá phù hợp nhất. Về hiệu quả thị trường, giá cả là chìa khóa. Giá càng minh bạch, thị trường càng hiệu quả. Xếp hạng tạo ra loại hiệu quả đó trên thị trường trái phiếu, đồng thời sẽ làm sâu sắc và phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam, nếu được sử dụng đúng cách.
Để xếp hạng hiệu quả, bạn cũng phải xem xét hệ thống tài chính cần được cải cách như thế nào. Một phần quan trọng là pháp luật. Các luật liên quan đến xếp hạng, đầu tư, quản lý rủi ro và tính minh bạch đều quan trọng để phát triển xếp hạng, điều này rất quan trọng đối với Việt Nam. Nói tóm lại, xếp hạng chỉ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách và trong một môi trường pháp lý và tài chính minh bạch. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh: xếp hạng là quan trọng, nhưng chỉ là một phần của hệ thống tài chính.
Ông đã đề cập rằng, xếp hạng tốt là một công cụ tham khảo hữu ích để nhận định những cơ hội đầu tư tiềm năng. Câu hỏi đặt ra là sử dụng các công cụ này như thế nào để đạt được mục tiêu đó?
Một hệ thống tài chính có hai trụ cột, ngân hàng và thị trường vốn phải hoạt động tốt với nhau. Xếp hạng là một trong những công cụ để làm cho sự kết nối này trở nên hiệu quả hơn.
Thực ra, các kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cho bạn kết quả nên mua hay bán một chứng khoán, mà chỉ đưa ra kết quả xếp hạng từ mức độ rủi ro thấp nhất xuống đến mức độ rủi ro cao nhất là vỡ nợ. Xếp hạng đưa một phần thông tin, nhận định để bạn đưa ra quyết định của riêng mình, dựa trên quản lý rủi ro và khẩu vị rủi ro của bạn. Việc định giá sẽ phản ánh mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận, nhưng việc định giá trên thị trường chứng khoán phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh và lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Công ty xếp hạng tín nhiệm không thể định giá trái phiếu cho bạn, nhưng giúp bạn xem xét rủi ro của trái phiếu, đo lường những rủi ro bao gồm rủi ro kinh tế vĩ mô liên quan đến ngành nghề của doanh nghiệp phát hành, rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính, rủi ro quản trị và quản lý doanh nghiệp. Tóm lại, xếp hạng tín nhiệm không cho bạn biết có nên đầu tư hay không và đó không phải là mục đích của xếp hạng, mà là giúp chúng ta đánh giá rủi ro.
Làm thế nào các tổ chức xếp hạng có thể đưa ra đánh giá công bằng và độc lập, trong khi thông tin bị hạn chế hoặc xung đột lợi ích có thể xảy ra? Ngoài ra, sau một số sự cố như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, đâu là giải pháp để vực dậy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường là cả một quá trình vận động không ngừng. Tôi có thể nói với bạn rằng “này, hãy tin tưởng tôi vì tôi minh bạch”, nhưng làm sao bạn biết tôi có đủ minh bạch hay không? Việc các doanh nghiệp có thực sự minh bạch và liêm chính hay không - không chỉ là vấn đề ở Việt Nam, mà còn ở Trung Quốc, Mỹ, hay mọi nơi trên thế giới - là trung tâm điểm trên thị trường xếp hạng tín nhiệm.
Trên thế giới có 3 công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu: Standard & Poors, Moody’s và Fitch Ratings. Ngoài ra, tại mỗi quốc gia có những công ty xếp hạng tín nhiệm hoạt động trong địa bàn quốc gia; tại Việt Nam hiện có Saigon Ratings, Fiin Group.
Liên quan đến tính minh bạch và xung đột lợi ích, chúng ta cần nhớ rằng, nhà đầu tư dựa vào kết quả đánh giá của công ty xếp hạng, nhưng công ty này lại được thù lao bởi doanh nghiệp mà họ xếp hạng, tạo ra xung đột lợi ích nghiêm trọng.
Hầu hết công ty xếp hạng tốt nhất đều ở Mỹ, nhưng chính họ cũng là một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Họ xếp hạng AAA cho các trái phiếu rủi ro cao. Họ đã không thực hiện được cam kết minh bạch trong thời gian chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tài chính, mặc dù họ tuyên bố độc lập và khách quan.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật Dodd & Frank để cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính nước này, trong đó có việc cải tổ và giám sát các công ty xếp hạng tín nhiệm.
Vì vậy, tôi nghĩ trước hết, tính minh bạch thông tin hoặc xây dựng lòng tin là một quá trình tập thể, một quá trình từng bước và phải có sự tham gia của tất cả mọi người. Khi nói “mọi người”, ý tôi là kế toán viên, kiểm toán viên, luật sư, cơ quan quản lý, Chính phủ và cả Quốc hội.
Những người làm việc trong ngành xếp hạng tín nhiệm phải được đào tạo bài bản, được cấp phép và có đạo đức nghề nghiệp đáng tin cậy. Nếu vậy, toàn bộ hệ thống sẽ đáng tin cậy, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tôi nhấn mạnh một lần nữa, để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần sự nỗ lực của cả cá nhân và tập thể, của tất cả mọi người.