Đề xuất mua lại trái phiếu của doanh nghiệp đạt yêu cầu xếp hạng tín nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) khi phát biểu tại cuộc họp bàn "giải cứu" thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức ngày 23/11.

Phát biểu tại cuộc họp bàn về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức sáng 23/11, ông Đỗ Ngọc Quỳnh đã nêu một số kiến nghị để "gỡ khó" cho thị trường trái phiếu đang "tê liệt" thanh khoản.

Theo ông Quỳnh, các nước sau đại dịch đều có nền kinh tế và doanh nghiệp bị khủng hoảng nợ vay và thanh khoản nên cần tái cấu trúc nợ để từng bước vượt qua khó khăn khách quan. Các chính phủ đều có giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường liên ngân hàng, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Việt Nam không phải là cá biệt nên cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Cụ thể, đại diện VBMA cho rằng, cần ưu tiên giải ngân cho các doanh nghiệp đã có hàng hoá đủ điều kiện bán và có khách hàng đặt cọc nhưng ngân hàng hết room cho vay để đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trước tiên, nên sửa Thông tư 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước để tạo cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại xem xét mua trái phiếu (gồm cả trái phiếu có mục đích tăng vốn và cơ cấu lại nợ) của các doanh nghiệp là khách hàng truyền thống mà ngân hàng đã hiểu rõ về rủi ro và đáp ứng các điều kiện về uy tín, tài sản đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo thanh khoản trong giai đoạn này.

Giải pháp thứ hai, đại diện VBMA đề nghị có thể xem xét lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp nhưng cần sự hợp tác tự nguyện, chủ động và minh bạch hoá thông tin.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA)
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA)

Cho rằng thanh khoản đến từ niềm tin mà niềm tin đến từ sự minh bạch và sức khoẻ thực sự của nền kinh tế và doanh nghiệp để đảm bảo khả năng chi trả cho nhà đầu tư, đại diện VBMA gợi ý giải pháp thứ ba là có thể xem xét sử dụng hai công ty xếp hạng tín nhiệm đã được cấp phép (là Fiin Ratings và Saigon Ratings) kết hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đánh giá các tổ chức phát hành tự nguyện để minh bạch hoá thông tin và có phương án bơm thanh khoản mua lại trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về tín nhiệm và tài sản đảm bảo để hỗ trợ thanh khoản.

Giải pháp thứ tư, ông Quỳnh đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo các ngân hàng thương mại ngồi lại và tìm cách khôi phục hoạt động của thị trường liên ngân hàng (interbank), cho nhau vay để hỗ trợ thanh khoản lẫn nhau và từ đó hỗ trợ thanh khoản của khách hàng doanh nghiệp tốt hơn.

"Trước khi nói đến niềm tin của nhà đầu tư cá nhân thì các tổ chức nhà đầu tư chuyên nghiệp phải hợp tác, chia sẻ, tin tưởng và giao dịch với nhau trước", ông Quỳnh nhấn mạnh.

Lưu ý thêm, vị chuyên gia cho rằng, các giải pháp cần đồng bộ, hướng tới hỗ trợ tức thời thanh khoản và từng bước nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Ngoài ra, các bên tham gia thị trường đều phải chủ động cố gắng từ góc độ của mình và phối hợp với các bên trong cân đối thanh khoản và truyền thông chính thống, tích cực.

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu hụt dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Tính đến ngày 11/11/2022, tổng khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ là 329.296 tỷ đồng, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn: tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng; đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng; năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.

“Một số cá nhân, tổ chức sai phạm bị cơ quan chức năng xử lý và kết hợp với việc nhiều tin đồn thất thiệt đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư trái phiếu. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành rút vốn ồ ạt trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát hành và tạo rủi ro cho thị trường chung”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục