Xem xét sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp thứ 8 dự kiến diễn ra từ 15-17/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Mới đây, làm việc với Thường trực Ủy ban Xã hội về tiến độ xây dựng Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại diện Bộ Y tế cho biết lần sửa đổi này tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh, bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Dự kiến có 15 chính sách được quy định trong dự án Luật sửa đổi, trong đó có quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề, quy định về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và về thẩm quyền cấp giấy phép này. Mô hình khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và tình trạng khẩn cấp...cũng được tính đến trong lần sửa đổi này.

Bên cạnh nội dung trên, ở phiên họp thứ 8, theo chương trình dự kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2021).

Để chuẩn bị báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã vừa làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, rà soát hồ sơ, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị phải tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, giải trình thuyết phục; đồng thời hoàn chỉnh tất cả hồ sơ luật, các Nghị định, Thông tư kèm theo để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8.

Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cũng nằm trong chương trình phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo kết quả bước đầu của 4 đoàn giám sát chuyên đề và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế 4 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”; “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục