Nguồn tin này cho biết, giá điện tăng trong bối cảnh giá các nguyên liệu đầu vào đang hạ, đặc biệt giá xăng dầu là đầu vào thiết yếu của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, trong cả năm 2014, giá điện đã không tăng, trong khi chi phí đầu vào của điện là giá than, giá khí, các loại phí... đã tăng mạnh.
Trước đó, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Cty TNHH Deloitte Việt Nam) công bố tại cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 của EVN, cho thấy tổng chi phí chênh lệch tỉ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến 31.12.2013 là 8.811,71 tỉ đồng. Nếu cộng cả các chi phí đầu vào đã tăng chưa tính vào giá điện thì hiện EVN đang còn khoản lỗ lên tới hơn 16.800 tỉ đồng chưa được cân đối trong năm 2014. Tại cuộc họp mới đây có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, lãnh đạo EVN đã chính thức kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung những chi phí nói trên vào giá điện năm 2015.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Anh Tuấn, thì theo QĐ 69 của Thủ tướng Chính phủ quy định về giá bán điện, việc điều chỉnh giá điện, sẽ theo nguyên tắc, nếu các chi phí đầu vào cấu thành giá điện tăng từ 7-10%, sau khi Bộ Công Thương đồng ý thì EVN được quyền tăng và nếu đề xuất giá điện tăng trên 10%, phải có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Với mức tăng 9,5% như dự kiến thì Bộ Công Thương sẽ là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận yêu cầu tăng giá điện của EVN. Vì vậy, có khả năng trong thời gian tới, giá điện sẽ tăng 9,5%, tương đương 1.652,2 đồng cho mỗi kWh, so với giá điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đồng/kWh, tức tăng 143,4 đ/kWh.