Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN khẳng định, năm 2014, Tập đoàn hoàn toàn không tăng giá điện và chắc chắn từ giờ tới Tết Nguyên đán cũng không có kế hoạch điều chỉnh giá điện. Song, ông Tri cho biết, có một loạt chi phí còn treo của năm 2014 xuất phát từ việc không tăng giá điện.
“Năm 2014, EVN không tăng giá điện, nhưng còn một loạt chi phí treo ở đó. Ước tính, do điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, nên chi phí đầu vào tăng lên 2.271 tỷ đồng, do điều chỉnh giá khí trên bao tiêu tăng lên 1.114 tỷ đồng, biến động tỷ giá mất 128 tỷ đồng. Đó là chưa kể các biến động khác như thuế tài nguyên nước Chính phủ quyết định từ 1/2/2014 tăng từ 2 - 4% nộp thêm hơn 1.504 tỷ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn 1.019 tỷ đồng… Tổng cộng các chi phí còn treo cần bù đắp tính ra là hơn 13.000 tỷ đồng”.
Theo ông Tri, việc tăng giá điện là một trong những giải pháp hữu hiệu để bù đắp các chi phí chưa cân đối được này. Năm 2014, do chưa thể tăng giá điện, nên EVN đã đề xuất xin Chính phủ cho phép tạm thời trì hoãn việc hạch toán khoản 8.800 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái vào giá thành và hoãn thanh toán cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Động thái công bố rộng rãi các chi phí này và nhấn mạnh các chi phí còn treo trong giá thành cho thấy, EVN khó lòng kéo dài thời gian điều chỉnh giá điện. Nói cách khác, việc đưa ra các con số này là cơ sở để EVN tính toán đề xuất tăng giá điện nhằm bù đắp được các khoản chi phí bị thâm hụt chưa bù đắp được.
việc tăng giá điện là một trong những giải pháp hữu hiệu để bù đắp các chi phí chưa cân đối được của EVN?
“Một trong những yếu tố quan trọng trong việc tính chi phí giá thành sản xuất điện trong các tháng vừa rồi có yếu tố giá dầu giảm, song giá than trong nước chưa thay đổi theo giá dầu, giá khí trong bao tiêu thì đã tăng theo lộ trình, trong khi đó tỷ giá còn có thể thay đổi, hệ thống điện còn phụ thuộc lớn vào cơ cấu nguồn điện sẽ huy động. Trong mùa khô 2015, cơ cấu nguồn điện huy động sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá thành, do đó, thực tế giá điện không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu”, ông Tuấn lý giải.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khẳng định, dù giá dầu giảm không phải là yếu tố duy nhất để xem xét tính giá điện trong năm 2015, song trong phương án giá cơ sở của 2015 sẽ tính toán trên cơ sở số liệu giá nhiên liệu cập nhật từ lần tăng giá điện gần nhất đến thời điểm làm giá điện cơ sở, do đó, mức tăng giá điện nếu có áp dụng trong năm 2015 thì chi phí sẽ được tính toán trên cơ sở số liệu thực tế, có nghĩa là cũng sẽ có phần giảm từ yếu tố giá dầu giảm.
Liên quan vấn đề này, ông Tri cũng cho biết, thực tế, giá dầu khi giảm thì khí cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau giảm xuống, khí tại các lô Hải Thạnh cũng tính theo giá dầu. Song giá khí cấp trên bao tiêu cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, 2 và một số nhà máy của EVN khi dùng trên bao tiêu Cửu Long 2 khoảng 2,5 tỷ m3/năm vẫn cao, còn lại trong bao tiêu thì Chính phủ đã có quyết định tăng theo lộ trình, theo đó giá khí tăng bình quân khoảng 2,5%/năm theo giá USD. Thậm chí, trong thời gian tới, Chính phủ đang cân nhắc có thể còn tiếp tục điều chỉnh tăng giá khí.
Còn các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than thì cũng chưa thể điều chỉnh giảm theo giá dầu do giá than trong nước vẫn chưa điều chỉnh, giá than cũng có lộ trình tăng giá Chính phủ đã phê duyệt, do đó việc tính giá thành sản xuất điện không thể phụ thuộc hoàn toàn vào đà giảm của giá dầu.
Với những động thái này, có thể thấy, việc EVN đề xuất tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia kinh tế cũng như dư luận hết sức quan tâm là EVN tăng giá ở mức nào và có lộ trình phù hợp để không gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết theo cơ chế thị trường, song cần có lộ trình để không gây biến động lớn đối với nền kinh tế.
“Giá điện EVN dự kiến xin điều chỉnh lên khoảng 9% là khá cao. Hiện nay, nếu tính các chi phí cần bù đắp cho mức chênh lệch giá thành sản xuất điện thì với mức giá hiện nay có thể là lệch thấp so với giá thị trường. Song để đi đến giá thị trường, cũng cần tiến hành từng bước và được minh bạch hóa. Bản thân ngành điện chưa thực sự công khai minh bạch các chi phí sản xuất và giá thành, không thể cứ kêu lỗ chưa đủ giá thành là phải tăng giá lên mới đủ bù lỗ, mà quan trọng là phải đảm bảo giá thành sản xuất ở mức hợp lý và giá bán điện là giá thị trường thì việc tăng giá điện mới được chấp nhận”, ông Thái nhấn mạnh.