Xem Bitexco xây những công trình

Không chỉ là nhà phát triển bất động sản tiên phong với những dự án tầm cỡ quốc tế, Tập đoàn Bitexco còn chinh phục những khó khăn tưởng như không thể vượt qua khi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng năng lượng.
Trở ngại lớn nhất khi xây dựng thân đập và chân móng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 là phải bịt được các hang trống chứa bùn nằm rải rác trong lòng núi đá vôi Trở ngại lớn nhất khi xây dựng thân đập và chân móng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 là phải bịt được các hang trống chứa bùn nằm rải rác trong lòng núi đá vôi

Dường như không có khó khăn nào làm nhụt được ý chí và khát vọng vươn lên của ông Vũ Quang Hội. Dáng vẻ nho nhã, nhưng bên trong vị Chủ tịch Tập đoàn Bitexco là ý chí sắt đá, dám tiên phong đương đầu với những thách thức, để xây dựng những công trình khiến các doanh nhân nước ngoài cũng phải “ngả mũ thán phục”.

Ông Hội là hiện thân cho sức vươn lên của một doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam dám nghĩ, dám làm trong thời kỳ đất nước hội nhập sâu rộng. Giờ đây, nhắc đến Bitexco là nhắc đến nhà đầu tư bất động sản có tư duy quốc tế với những dự án khắc dấu ấn đậm nét trên nền trời Hà Nội và TP.HCM.

Bitexco đã chứng minh được bản lĩnh và khát vọng vươn lên chinh phục những tầm cao mới của người Việt khi xây dựng tòa tháp cao nhất TP.HCM cao 68 tầng Bitexco Financial Tower. Một khách sạn mang thương hiệu JW Marriott thiết kế theo hình dáng con Rồng huyền thoại cuộn mình vươn lên bên bờ Biển Đông cũng mới mở cửa đón khách. Đây cũng là một trong số ít những khách sạn hạng sang theo tiêu chuẩn quốc tế do một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển.

Điều đáng nói là, hầu hết các dự án của Bitexco đều là những dự án mang tầm quốc tế, đòi hỏi vốn lớn, công nghệ xây dựng phức tạp mà doanh nghiệp trong nước chưa đảm đương được. Những dự án này lại được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế hoặc thị trường bất động sản suy giảm, hoặc là các dự án tiên phong, nên việc huy động vốn, kinh doanh đặt ra những thách thức rất lớn.

Nhưng Bitexco đã vượt qua tất cả những cản trở để hoàn thành những công trình với chất lượng quốc tế, không những cung cấp cho doanh nghiệp, người dân chỗ ở, làm việc, vui chơi và mua sắm sang trọng, mà còn giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một hình ảnh Việt Nam năng động và ngày càng thịnh vượng.

 Vượt qua thách thức bằng ý chí sắt đá

Nhưng ít ai biết rằng, ngoài lĩnh vực bất động sản, Bitexco đã và đang âm thầm đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng, với những công trình khó khăn, phức tạp không thua kém gì việc xây dựng Bitexco Financial Tower và JW Marriott Hotel. Cho đến nay, Bitexco đã và đang đầu tư 9 nhà máy thủy điện trên khắp đất nước, với tổng công suất 600 MW. Đặc biệt, trong số các nhà máy thủy điện này, Bitexco đầu tư 3 dự án trên dòng sông Nho Quế, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, một trong những khu vực nghèo nhất cả nước và cũng là khu vực thi công công trình thủy điện khó khăn nhất cả nước.

Dòng sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc và đoạn chảy vào Việt Nam dài 46 km được coi là rất thích hợp để phát triển thủy điện. Đã có nhiều nhà đầu tư khảo sát để xây dựng nhà máy thủy điện tại đây, nhưng cuối cùng đều bỏ cuộc, vì địa hình xây dựng cực kỳ nguy hiểm, địa chất phức tạp, rủi ro đầu tư rất cao.

Hà Giang được biết đến là cao nguyên đá, giao thông hiểm trở, với các con đường một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Ở khu vực Bitexco xây dựng Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, địa hình lại càng hiểm trở hơn, với những con đường nhỏ nằm men theo các vách đá và một bên là dòng sông Nho Quế sâu thăm thẳm. Việc chuyên chở vật liệu đến công trường đã cực kỳ khó và càng khó hơn đối với việc hoàn thành thủy điện, vì đòi hỏi phải có những con đường đủ lớn, an toàn để các xe siêu trường, siêu trọng chở được tua-bin đến nhà máy.

Bitexco đã san đồi, bạt núi làm mới một con đường “huyền thoại” dài hơn 20 km từ Khâu Vai - nơi có chợ tình nổi tiếng - đến công trường, để có thể vận chuyển hơn 2.000 tấn thiết bị, máy móc từ dưới xuôi lên. Nghe thì đơn giản, nhưng để mở được một con đường trên cao nguyên đá, thách thức không khác gì leo núi.

Đá ở Hà Giang toàn là đá tai mèo xám ngoét, địa hình lại hiểm trở, nên có lúc, thiết bị cơ giới cũng bất lực. Việc phá đá phải thực hiện bằng tay, không khác gì cảnh những thanh niên xung phong treo mình trên những vách đá dựng đứng, lấn từng cen-ti-mét để làm nên con đường đèo Mã Pí Lèng huyền thoại hơn 50 năm về trước.

Nhưng theo Tổng giám đốc Bitexco Nho Quế lúc đó là ông Vũ Chí Mỹ, thì địa chất phức tạp của Hà Giang mới là mối lo sợ thực sự với những người xây dựng thủy điện. Trong lòng núi đá vôi là rải rác các hang động carter, một loại hang trống chứa bùn và nếu không bịt được các hang này thì sẽ không xây dựng được thân đập và chân móng nhà máy.

Chính khó khăn này đã khiến không ít các nhà đầu tư thủy điện khác phải chùn bước. Nhưng bằng kinh nghiệm từ hồi còn làm việc tại các dự án thủy điện thuộc Tập đoàn Sông Đà cùng với sự trợ giúp của hệ thống định vị vệ tinh, đích thân ông Mỹ đã khắc phục được khó khăn này.

Không chỉ áp dụng công nghệ mới, những người thợ Bitexco còn sáng tạo để vượt qua những khó khăn ngay trên công trường. Hà Giang thì rất sẵn đá, nhưng cát xây dựng lại rất thiếu. Vận chuyển cát từ thị xã Hà Giang đến công trường vừa khó khăn, chi phí lại đắt thêm hàng chục lần. Sau một thời gian nghiên cứu, các kỹ sư đã chế tạo thành công 3 trạm nghiền đá thành “cát nhân tạo” với chi phí chỉ bằng 1/5 so với cát tự nhiên vận chuyển lên.

Vượt lên tất cả thách thức, với khả năng quản trị, tiếp nhận công nghệ mới, khả năng thu xếp vận hành dòng tiền hiệu quả, Bitexco đã hoàn thành và đưa Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 vào vận hành cách đây 2 năm. Nhà máy này có tổng công suất 110 MW và là nhà máy thủy điện lớn nhất của Bitexco, với tổng vốn đầu tư 2.323 tỷ đồng.

Thi công con đường huyền thoại từ Khâu Vai đến Nho Quế 3

Đầu tư vì an sinh xã hội

Ông Hội tâm sự, ở nơi “đất cao bằng trời” này, việc xây dựng các công trình là vô cùng khó khăn. “Đầu tư lên Mèo Vạc, Bitexco không đưa bài toán kinh tế lên hàng đầu, chúng tôi quyết tâm xây dựng một công trình thật ý nghĩa trên vùng đất địa đầu Tổ quốc”, ông Hội nói.

Nhờ việc Bitexco làm giao thông để thi công thủy điện, bà con dân tộc địa phương đã có đường đi lại thuận tiện và cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Nếu như trước đây đường của Nhà nước chỉ đầu tư làm từ huyện Mèo Vạc đến Khâu Vai, thì nay con đường mới do Bitexco mở đã đến sát vùng biên.

Không chỉ đầu tư làm đường, phát điện, Bitexco còn đầu tư xây trường học, xây chợ, xây chùa…, làm thay đổi hẳn tập tục sinh hoạt lạc hậu bao đời ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, góp phần duy trì an ninh, trật tự và an toàn xã hội vùng biên giới địa đầu Tổ quốc. Chính vì yếu tố này mà Tập đoàn Bitexco đã được lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc đánh giá rất cao. Riêng ông Hội được phong tặng danh hiệu “Công dân danh dự của huyện Mèo Vạc”.

Sau khi phát triển thành công Nho Quế 3, Bitexco đang xây dựng tiếp Nhà máy Thủy điện Nho Quế 2, với công suất 48 MW và vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Bitexco đang chứng minh được năng lực và kinh nghiệm trong việc phát triển những dự án phức tạp và chưa có tiền lệ. Tiếp theo những dự án thủy điện, Bitexco đang đẩy mạnh đầu tư vào giao thông. Bitexco đã mạnh dạn đề xuất đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 100 km, với tổng vốn đầu tư 16.000 tỷ đồng từ hình thức BOT sang hình thức PPP, một hình thức đầu tư còn mới mẻ và chưa có nhà đầu tư nào khác dũng cảm đứng ra làm như Bitexco. Việc triển khai thành công dự án PPP thí điểm này sẽ là yếu tố quyết định mở ra kênh huy động vốn mới từ khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng - một trong ba nút thắt được Đại hội Đảng lần thứ XI xác định là “điểm nghẽn cản trở sự phát triển”.

Sơn thủy (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục