Xe mới giảm giá hàng loạt, xe cũ chịu “khủng hoảng kép” hậu Covid-19

Trong khi hàng loạt mẫu xe mới giảm giá mạnh để kích cầu thị trường, thì các đại lý xe cũ lại "đứng ngồi không yên". Sau đại dịch Covid-19, nhiều đại lý xe cũ có nguy cơ phá sản.
Các đại lý xe cũ đang lâm tình cảnh hết sức khó khăn sau đại dịch và rủi ro chính sách, tâm lý khách hàng. Các đại lý xe cũ đang lâm tình cảnh hết sức khó khăn sau đại dịch và rủi ro chính sách, tâm lý khách hàng.

Xe mới cũng ế, nói gì xe cũ

Khảo sát một số showroom xe hơi trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), rất nhiều đại lý xe mới của các hãng đang trong cảnh "ngồi chơi, xơi nước", khách hỏi, xem xe nhiều hơn khách đặt tiền mua.

Việc VinFast giảm đồng loạt cả ba mẫu xe cùng với một số thông tin bất lợi về chính sách thuế phí đối với thị trường xe hơi khiến cho các đại lý xe hơi như ngồi trên đống lửa.

Hầu hết các đại lý, showroom đều mong muốn Chính phủ, các bộ ngành sớm có thông tin chính thức về thuế phí trong thời gian này để người tiêu dùng ổn định tâm lý, cũng như để thị trường xe không chịu tác động cộng hưởng.

Có dự định mua xe hơi để phục vụ cho công việc, nên ngay sau khi hết giãn cách xã hội, ông Phạm Văn Tuyên (Đống Đa, Hà Nội) liền ra các đại lý để tìm mua.

Tuy nhiên, sau một thời gian tham khảo, ông cho biết, thời điểm sau dịch, giá xe giảm nhanh quá, nhiều người khuyên chưa nên xuống tiền ngay lúc này bởi có thể giá xe còn hạ nữa.

Tương tự, anh Vũ Viết Cường (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, thông tin giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước đăng ký lần đầu khiến anh do dự bởi nếu việc giảm phí được thực hiện, chiếc xe đang có ý định mua trị giá hơn 2 tỷ đồng sẽ được giảm số tiền hơn 120 triệu đồng.

"Đây là số tiền không ít đối với mình dù gia đình chấp nhận mua xe theo sở thích. Tôi nghĩ, các hãng nên cơ cấu lại chi phí kinh doanh, giảm chiết khấu hoa hồng cho người bán để giảm giá bán xe, kích thích được thị trường và người mua mới ", anh Cường nói.

Thực tế, rất nhiều đại lý đang “ngóng” chính sách và quyết định của Chính phủ về giảm phí trước bạ và ưu đãi Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trong nước. Tuy nhiên, các loại phí thuế này vẫn đang được Chính phủ bàn thảo, chưa có quyết định.

Mới đây, sau khi Bộ Công Thương đề xuất giảm phí trước bạ 50% và ưu đãi Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đã "bác bỏ" và yêu cầu bỏ ra ngoài dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch Covid-19.

Bộ Tài chính khẳng định, việc đề xuất ưu đãi trên vi phạm các quy định của WTO về phân biệt đối xử quốc gia. Việt Nam có thể bị các nước khác kiện.

Mới đây, do lo sợ các doanh nghiệp ô tô giảm sản lượng, phá sản, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Quốc hội đề xuất giảm các loại thuế phí bất đối xứng hỗ trợ doanh nghiệp thời hậu Covid-19.

Đại lý xe cũ lo phá sản, bán tháo xe

Theo khảo sát một số đại lý xe cũ, hiện tại giao dịch xe cũ rất trầm lắng, giá đang xuống. Xu hướng giá nhiều loại xe mới đang hạ để kích cầu thị trường khiến các dòng xe cũ rất khó bán ra.

Xe mới giảm giá hàng loạt, xe cũ chịu “khủng hoảng kép” hậu Covid-19 ảnh 1

Xe cũ trưng bày nhiều nhưng doanh số bán ra giảm mạnh do thị trường xe mới đang xuống giá.

Hiện hàng loạt mẫu xe trên thị trường đang giảm giá rất mạnh, các mẫu sedan như Mazda 2, Honda City, Hyundai Accent... đều được giảm giá từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/chiếc.

Bên cạnh đó, các dòng xe khác như Isuzu D-Max, Toyota Innova, Toyota Fortuner, Honda CR-V, Mazda CX-8, Lux A2.0 cũng được giảm giá từ 40 đến 200 triệu đồng/chiếc.

Nhiều chủ xe cũ cho biết, với mức giá giảm rõ rệt trên thị trường xe mới, cộng với mức chiết khấu thêm của nhân viên bán hàng cho khách, khiến nhiều người có ý định mua xe cũ chuyển sang mua xe mới.

"Với mức giảm giá mạnh của xe mới, gần như các đại lý xe cũ không thể bán được xe, đặc biệt là những chiếc xe qua sử dụng trên 10 năm. Các mẫu xe qua sử dụng 5 - 10 năm, bắt buộc phải giảm giá nhưng vẫn rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Nam, chủ đại lý xe cũ tại Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) cho hay.

Để giảm thiểu rủi ro, các đại lý đều chuyển sang diện xe ký gửi, chỉ mua lại một số xe có tiềm năng, tránh đọng vốn. Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả chuyện xe ký gửi cũng rất khó bán ra.

"Sức chịu đựng của  doanh nghiệp tính đến nay là gần 5 tháng rồi, gần như là kiệt quệ, thu hẹp phạm vi kinh doanh, giảm mua xe vào, cắt hợp đồng... Tất cả đều phục vụ duy trì hoạt động bán hàng. Nếu 2 tháng nữa, vẫn không phát sinh doanh số, việc phá sản hàng loạt sẽ xảy ra đối với nhiều đại lý xe cũ", ông Nam nhận định.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục