Xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp: việc không thể chậm hơn

(ĐTCK) Góp ý cho Đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cũng như các giải pháp thúc đẩy thị trường này phát triển sôi động, hiệu quả trong thời gian tới, các thành viên thị trường đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đáng chú ý. 
Xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp: việc không thể chậm hơn

Thúc đẩy xây dựng phương án phát triển thị trường TPDN là điều cấp bách

Xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp: việc không thể chậm hơn ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX, phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)

Khi xây dựng Đề án phát triển thị trường TPDN, mục tiêu của cơ quan quản lý là tăng cường tính minh bạch cũng như thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường, tăng cường huy động vốn cho thị trường tập trung. Trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo HNX tập trung phát triển thị trường trái phiếu chính phủ để tích lũy tốt về lượng và chất, qua đó hỗ trợ thị trường TPDN phát triển.

Từ năm 2009, thị trường trái phiếu chính phủ đã được tổ chức và vận hành tại HNX. Đến thời điểm hiện tại, khi thị trường trái phiếu chính phủ đã tạo dựng được nền móng phát triển vững chắc (quy mô tăng 4,3 lần; thanh khoản tăng 10,16 lần) thì việc thúc đẩy xây dựng phương án phát triển thị trường TPDN là điều cấp bách.

Hiện tại, Đề án phát triển thị trường TPDN đang được đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường, cùng với sự chỉ đạo của UBCK, HNX sẽ hoàn thiện để trình Bộ Tài chính trong quý II/2016. Sau khi được Bộ Tài Chính phê duyệt, HNX cùng các thành viên thị trường sẽ bắt tay triển khai các giải pháp để đưa thị trường TPDN vào vận hành trong năm 2017.

Có một điều cũng thuận lợi là đề án phát triển thị trường TPDN được xây dựng đúng vào thời điểm Nghị định 90/2011 về phát hành TPDN đang được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho các DN trong việc phát hành trái phiếu huy động vốn.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là nhu cầu huy động vốn của các DN nay đã khác, họ không thể dựa nhiều vào ngân hàng, trong khi tiềm năng phát triển của thị trường TPDN Việt Nam còn rất lớn. Quy mô thị trường TPDN mới đạt 2,5% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 là 7% GDP. Nhưng để đạt được mục tiêu này thì cần thiết phải thúc đẩy thị trường TPDN phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, mục tiêu hoàn thiện thị trường TPDN được gắn liền với quá trình tái cấu trúc TTCK, nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm quốc tế để có giải pháp phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam; cải cách phát hành, phát triển hệ thống nền tảng thị trường, đặc biệt là hệ thống thống tin. Các vấn đề pháp lý, cơ chế chính sách, định giá, định mức tín nhiệm phải có lộ trình áp dụng, tham khảo nền tảng thị trường trái phiếu mà các nước ASEAN đang hướng tới...

Cần sớm có sự ra đời và phát triển các công ty định mức tín nhiệm cho tất cả các đợt phát hành TPDN
Xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp: việc không thể chậm hơn ảnh 2

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Tự doanh và Bảo lãnh phát hành, VietinBankSc 

Thị trường TPDN đã và đang phát triển rất mạnh tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, thị trường TPDN cũng có sức hấp dẫn nhất định trong mắt nhà đầu tư. Một số khía cạnh tạo nên tính hấp dẫn cho thị trường là lãi suất (thông thường lãi suất TPDN sẽ cao hơn lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn trong khoảng biên độ từ 3% - 5%/năm) và sự đa dạng của các cấu trúc trái phiếu hấp dẫn nhà đầu tư, chẳng hạn mua TPDN, nhà đầu tư được kèm quyền mua cổ phiếu ưu đãi…

Với việc thị trường TPDN ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, nhu cầu hình thành một thị trường TPDN hoạt động chuyên nghiệp là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế. VietinBankSc cho rằng, để xây dựng được một thị trường TPDN chuyên nghiệp, cần chú ý đến 3 yếu tố. Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy thống nhất trong việc niêm yết TPDN. Thứ hai, cần có chính sách ưu đãi ban đầu về thuế thu nhập, phí giao dịch cho nhà đầu tư, cũng như cho tổ chức phát hành trái phiếu. Thứ ba, cần sớm có sự ra đời và phát triển các công ty định mức tín nhiệm uy tín cho tất cả các đợt phát hành TPDN. Điều này sẽ nâng cao tính minh bạch và có sự đánh giá độc lập, qua đó tăng tính hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư.

Trong năm 2016, xu hướng phát hành TPDN là phát hành TPDN niêm yết. Xu hướng này phù hợp với thực trạng và giải quyết được các tồn tại của thị trường TPDN hiện nay, bởi việc giao dịch tập trung của thị trường TPDN niêm yết sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản và sự minh bạch cho thị trường. Ngoài ra, TPDN niêm yết sẽ giúp nâng cao sự chuẩn hóa của thị trường TPDN. Với sự phát triển của thị trường TPDN sơ cấp, thị trường TPDN thứ cấp cũng ngày càng phát triển tốt hơn, gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm các dòng vốn nhàn rỗi đa dạng trong nền kinh tế.

Đối với việc phát hành đại chúng, không cần thiết phải gượng ép

Xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp: việc không thể chậm hơn ảnh 3

 Ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM CTCK VietcomBank (VCBS)

Từ trước đến nay, nhà đầu tư có cảm giác những chuẩn hóa và khung hoạt động được xây dựng chủ yếu dành cho trái phiếu chính phủ, còn TPDN dường như vẫn chỉ là cuộc chơi sơ cấp theo dạng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, chưa thực sự phát triển trên thị trường thứ cấp. Do vậy, nếu Đề án phát triển thị trường TPDN được thực thi sẽ bước đầu tạo dấu ấn, là viên gạch đầu tiên và quan trọng để phát triển thị trường này.

Có ý kiến cho rằng, hiện tại phát hành TPDN dưới hình thức đại chúng còn hạn chế, với các luật định liên quan chưa đầy đủ, phù hợp, do tổ chức phát hành TPDN là các DN vừa và nhỏ không đạt đủ yêu cầu cho việc phát hành đại chúng và phát hành TPDN còn mang hình thức tín dụng. Theo tôi, đối với việc phát hành đại chúng, không cần thiết phải gượng ép. Hãy cứ để thị trường phát hành riêng lẻ phát triển, khiến cung và cầu tăng trưởng về số lượng và chất lượng, tự khắc sẽ đến thời điểm có nhu cầu cần phải chuẩn hóa, khi đó, việc phát hành đại chúng sẽ ra đời. Việc phát triển và hoàn thiện các khung pháp lý cho phát hành đại chúng cũng phải được rút ra từ chính sự phát triển của thị trường.

Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu phát hành TPDN đã tăng lên rất mạnh, có nhiều DN lớn, nhỏ tích cực phát hành trái phiếu để tái cấu trúc nguồn vốn, mua bán cổ phần công ty…, điều mà việc vay vốn tín dụng thông thường không đáp ứng được.

Tuy nhiên, để thị trường TPDN phát triển hơn trong thời gian tới cần có các cơ sở cụ thể như: tạo điều kiện để các ngân hàng, đối tượng mua trái phiếu chủ yếu, có thể tham gia dễ dàng hơn vào thị trường; tạo sân chơi và cổng thông tin nơi các tổ chức tham gia thị trường có thể chia sẻ thông tin, dần tiến tới việc xây dựng một cơ quan đánh giá tín nhiệm độc lập. Bên cạnh đó, cơ quan chính sách cần hoàn thiện và bổ sung các văn bản hướng dẫn (bên cạnh Nghị định 90) một cách cụ thể, thiết thực liên quan đến TPDN để có thể hỗ trợ thị trường này.

Cần quản lý chặt để hạn chế các tổ chức phát hành TPDN không đủ chất lượng

Xây thị trường trái phiếu doanh nghiệp: việc không thể chậm hơn ảnh 4

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐTV CTCK Kỹ Thương (TCBS) 

Thị trường TPDN Việt Nam hiện còn quá nhỏ, có rất ít trái phiếu của các DN được giao dịch và niêm yết trên thị trường. Các DN khi cần huy động vốn vẫn thường chỉ lựa chọn vay của ngân hàng. Họ chưa xem trái phiếu và vốn nhàn rỗi của nhiều nhà đầu tư cá nhân là những kênh huy động vốn cho DN mình, trong khi những kênh huy động này rất phổ biến trên thế giới. Nhiều DN vẫn thực hiện việc huy động vốn thông qua các hoạt động vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, mà chưa ý thức rằng các hoạt động đó làm gia tăng đáng kể rủi ro cho chính DN. Chỉ một số ít DN có kế hoạch và cấu trúc chiến lược tài chính một cách bài bản.

Nhiều ngân hàng và DN đang xem TPDN như là một khoản vay (tức là DN phát hành và ngân hàng mua toàn bộ). Cách tiếp cận này chưa đủ rộng. Chúng ta phải nhìn nhận TPDN là một sản phẩm chứng khoán mà nhiều đối tượng có thể mua được như các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, các cá nhân và tổ chức có nguồn tiền nhàn rỗi… Nói cách khác, TTCK cần nhiều trái phiếu được niêm yết để thị trường TPDN phát triển mạnh hơn.

Các cơ quan quản lý như UBCK cần đóng vai trò quan trọng trong giám sát, nâng cao tính minh bạch của các tổ chức phát hành, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Các tổ chức tư vấn phát hành cũng cần làm việc chặt chẽ với tổ chức phát hành trong việc chuẩn hóa hồ sơ trái phiếu, tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế với thông tin minh bạch hơn - giống như một công cụ chứng khoán - để tránh những rủi ro không đáng có. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của các nhà đầu tư nhằm phát triển thị trường TPDN.

Chúng ta cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để hạn chế các tổ chức phát hành những trái phiếu không đủ chất lượng, tổ chức phát hành yếu kém. Đây là những nhân tố chủ chốt gây mất lòng tin của nhà đầu tư đại chúng. Các công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn nên có nhiều hơn các báo cáo đầu tư, phân tích thị trường trái phiếu, cũng như đánh giá, xếp hạng chất lượng tổ chức phát hành trái phiếu.

Một điều nữa rất quan trọng là UBCK, HOSE và HNX cần có những chương trình phối hợp cùng các công ty chứng khoán để tổ chức nhiều khóa đào tạo, chương trình roadshow cho công chúng, để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là giúp các nhà đầu tư cá nhân hiểu rõ hơn về những thế mạnh của kênh đầu tư TPDN.

Liên quan đến chính sách phát triển thị trường TPDN, phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi góp ý cho dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN. Trong đó, có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư vào loại hình tài sản này. Tuy nhiên, tại dự thảo vẫn có nội dung có thể gây “bó” cho hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn như tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Thông tư quy định: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua TPDN khi có đủ các điều kiện: trong giấy phép thành lập và hoạt động của NHNN cấp có ghi nội dung mua TPDN… Nội dung này không hợp lý nên cần bãi bỏ. Thay vào đó cần điều chỉnh theo hướng đã là tổ chức tín dụng được NHNN cấp phép hoạt động, thì đương nhiên được đầu tư TPDN...

Hữu Hòe - Hải Vân thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục