Tiền chảy qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Trong một diễn biến sắp tới, IFC dự kiến sẽ dành ngân sách 50 triệu USD, hợp tác với Dragon Capital để chuyên đầu tư vào trái phiếu DN. Ngoài vấn đề về lợi ích tài chính, đầu tư vào trái phiếu DN là cách giúp Việt Nam dần hoàn thiện thị trường trái phiếu, hỗ trợ các DN tìm vốn bằng công cụ trái phiếu.
 
Tiền chảy qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 10/5/2016, diễn biến đáng chú ý là sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác phát hành trái phiếu giữa CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), cùng Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Theo đó, lô trái phiếu phát hành giá trị 1.000 tỷ đồng, tổng số lượng phát hành là 1.000 trái phiếu với mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng, đáo hạn năm 2021. Đơn vị tư vấn phát hành là CTCK Chứng khoán MB. Công ty nằm trong Top 5 CTCK lớn nhất hiện nay và có định hướng phát triển mạnh nghiệp vụ IB (ngân hàng đầu tư).

Toàn bộ lô trái phiếu do TTCS phát hành được TPBank và VIB đầu tư với giá trị lần lượt là 600 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. Sau lễ ký kết, hồ sơ thương vụ sẽ được các bên hoàn thiện để gửi đến Bộ Tài chính xem xét chấp thuận. 

Trái phiếu DN vẫn là một mảng thị trường còn kém phát triển tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, số DN dự kiến sử dụng công cụ này để huy động vốn còn rất khiêm tốn và chủ yếu là các DN lớn. Đơn cử, CTCK Rồng Việt có kế hoạch huy động 300 tỷ đồng trái phiếu DN trong năm 2016; CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất lên kế hoạch phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi… Tuy nhiên, Chính phủ đã định hướng hoạt động của kênh dẫn vốn ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn, còn vốn dài hạn các DN phải tìm qua TTCK, nên các DN càng cần phải nỗ lực nhiều hơn để tìm kiếm dòng vốn và góp sức định hình thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam.

Trong cuộc làm việc với ngành chứng khoán cuối tháng 4, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: Ở nhiều nước, thị trường trái phiếu DN rất phát triển, sản phẩm trái phiếu thường được các DN khởi nghiệp phát hành như một cách để tìm vốn cho ý tưởng mới, vậy ở Việt Nam, bao giờ mới có thị trường trái phiếu DN?

Thực tế, theo các con số thống kê, đến nay, thị trường cổ phiếu Việt Nam có quy mô vốn hóa khoảng 60 tỷ USD, thị trường trái phiếu chính phủ có quy mô vốn hóa khoảng 37 tỷ USD, nhưng thị trường trái phiếu DN mới chỉ khoảng 1,3 tỷ USD. Bức tranh thị trường như vậy đặt ra yêu cầu phải phát triển kênh trái phiếu DN để giảm sự chênh lệch trên thị trường tài chính Việt Nam.

Thực tế, trên Sở GDCK TP. HCM có một số mã trái phiếu DN niêm yết đang được giao dịch. Tuy nhiên, để phát triển một thị trường trái phiếu DN chuyên nghiệp theo phân công trên thị trường, Sở GDCK Hà Nội đã xây dựng đề án, trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính. Nếu đề án này được chấp thuận, Sở GDCK Hà Nội sẽ là đầu mối xây dựng thị trường trái phiếu DN tại Việt Nam.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục