Trái phiếu doanh nghiệp đã có kịch bản phát triển

(ĐTCK) Chưa bao giờ, các yếu tố thúc đẩy cho sự ra đời của thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo một kịch bản dài hơi, lại rốt ráo như hiện tại. Tuy nhiên, mọi thứ đang trong giai đoạn chuẩn bị, với nhiều điểm nghẽn chờ được giải tỏa.
Mục tiêu HNX hướng đến là xây dựng thị trường TPDN và đưa vào vận hành trong năm 2017 Mục tiêu HNX hướng đến là xây dựng thị trường TPDN và đưa vào vận hành trong năm 2017

Đã trình đề án lên UBCK

Một kịch bản phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) theo đường hướng dài hạn, theo đại diện Sở GDCK Hà Nội (HNX) - đầu mối được Bộ Tài chính giao xây dựng Đề án phát triển thị trường TPDN, đã bước đầu hình thành.

“HNX đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Đề án phát triển thị trường TPDN. Khi cơ quan quản lý có ý kiến phản hồi, chúng tôi sẽ công khai thông tin rộng rãi…”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc HNX phụ trách Ban điều hành HNX nói và cho biết thêm, trước đây, Bộ Tài chính chỉ đạo HNX tập trung phát triển thị trường trái phiếu chính phủ để tích lũy tốt về lượng và chất, qua đó hỗ trợ thị trường TPDN phát triển. Đến nay, thị trường trái phiếu chính phủ đã tạo dựng được nền móng phát triển vững chắc, nên bắt đầu thúc đẩy xây dựng phương án phát triển thị trường TPDN.

Đại diện HNX cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi theo hướng không thể dựa nhiều vào ngân hàng. Thực tế khách quan này đang đặt ra phải sớm hình thành kênh huy động vốn bài bản, chuyên nghiệp, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy kênh TPDN đang được sử dụng, nhưng hiện trạng phát hành còn lẻ tẻ, thông tin chưa minh bạch...

Theo mục tiêu được HNX đề ra, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBCK, Sở sẽ hoàn thiện Đề án phát triển thị trường TPDN để trình Bộ Tài chính trong quý II/2016. Sau khi được Bộ phê duyệt, HNX cùng các thành viên thị trường sẽ bắt tay triển khai các giải pháp để đưa thị trường TPDN vào vận hành trong năm 2017. 

Nhiều điểm nghẽn

Tuy HNX được giao nhiệm vụ làm “nhạc trưởng” xây dựng và vận hành thị trường TPDN, nhưng để thị trường này sớm ra đời và phát triển hiệu quả, đòi hỏi sự nhiệt tâm tham gia của các thành viên thị trường.

Một số thành viên thuộc Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, họ đang nóng lòng muốn biết thông tin chi tiết về Đề án phát triển thị trường TPDN, để trên cơ sở đó không chỉ đưa ra các kiến nghị, đề xuất, góp ý cho nhà quản lý hình thành đường hướng phát triển thị trường này khả thi, mà còn giúp cho các thành viên chủ động chuẩn bị kế hoạch về xây dựng đội ngũ nhân sự, phát triển các sản phẩm, dịch vụ để tham gia ngay khi thị trường TPDN mở cửa.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, hiện là thành viên của VBMA, có 3 vấn đề quan trọng mà Đề án cần đề cập là định ra các nguyên tắc cho nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa NĐT, sớm hình thành cơ sở dữ liệu thông tin toàn thị trường gắn liền với phương thức minh bạch thông tin.

Để nâng cao chất lượng hàng hóa, qua đó hấp dẫn NĐT, thì việc rất quan trọng là cần sớm hình thành công ty định mức tín nhiệm. Đến nay, tuy hành lang pháp lý tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Quyết định 507/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, mở đường cho công ty định mức tín nhiệm ra đời đã hoàn chỉnh, nhưng trên thực tế việc này đang gặp nhiều khó khăn và chưa biết đến bao giờ tổ chức này mới hình thành. Thách thức chính nằm ở chỗ hiện chưa có cơ chế đảm bảo cho công ty định mức tín nhiệm có thể “sống” được. Để giải quyết khó khăn này, nhà quản lý cần có quy định bắt buộc tất cả các đợt phát hành TPDN phải được công ty định mức tín nhiệm đánh giá thì mới được phát hành như thông lệ quốc tế...

Muốn xử lý được điểm nghẽn thứ hai là NĐT trên thị trường còn đơn điệu, sức cầu yếu và thiếu ổn định, ngoài cần sớm hình thành cơ chế cho sự ra đời của quỹ hưu trí tự nguyện, thì cần có chính sách tạo thuận cho NĐT cá nhân tiếp cận thị trường TPDN. Cũng cần có cơ chế ưu đãi về thuế, phí giao dịch để hấp dẫn NĐT trong và ngoài nước, trong đó có các quỹ đầu tư nội địa tham gia đầu tư vào TPDN.

Mới đây, Bộ Tài chính đã chia sẻ dữ liệu về TPDN cho VBMA để công khai trên website của Hiệp hội, nhưng thông tin này chậm, không đầy đủ. Do đó, Bộ Tài chính cần sớm đề xuất phương án giao cho một đầu mối tập hợp thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin toàn thị trường để công khai rộng rãi. Cũng cần hình thành cơ chế giám sát, xử lý các trường hợp không tuân thủ nghĩa vụ minh bạch thông tin, nếu muốn thị trường TPDN phát triển chuyên nghiệp, hấp dẫn các dòng vốn, nhất là dòng vốn ngoại tham gia thị trường.       

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục