Xây dựng văn hóa cạnh tranh trong hội nhập

(ĐTCK) Xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh là động lực và điều kiện để cạnh tranh thành công của mọi doanh nghiệp trong hội nhập.
Người tiêu dùng cần trở thành người tiêu dùng thông thái, không nhẹ dạ cả tin hoặc đưa tin chưa kiểm chứng, a dua theo tâm lý đám đông. Người tiêu dùng cần trở thành người tiêu dùng thông thái, không nhẹ dạ cả tin hoặc đưa tin chưa kiểm chứng, a dua theo tâm lý đám đông.

Cạnh tranh là một quy luật kinh tế tất yếu của sản xuất hàng hoá và là cuộc chiến thị trường giữa các doanh nghiệp tự do kinh doanh nhằm tìm kiếm và giữ khách hàng, thị phần.

Thông qua cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ đúng pháp luật, đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp thể hiện thực lực và lợi thế của mình về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị nội bộ và quan hệ với khách hàng, đối tác… so với đối thủ, nhằm thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng, thu lợi nhuận hoặc nâng tầm vị thế trên thị trường.

Cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích: cạnh tranh lành mạnh là động lực thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế; sức ép cạnh tranh buộc người sản xuất phải năng động, nhạy bén, nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời tích cực cải tiến kỹ thuật, cách thức tổ chức, quản lý sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tìm mọi cách để làm ra sản phẩm có chất lượng hơn, đẹp hơn, có chi phí sản xuất rẻ hơn, có tỷ lệ tri thức khoa học, công nghệ cao hơn; càng nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau thì sản phẩm hay dịch vụ cung cấp cho khách hàng sẽ càng có chất lượng tốt hơn.

Ở đâu thiếu cạnh tranh lành mạnh hoặc có biểu hiện độc quyền, thì đời sống kinh tế - xã hội thường trì trệ, kém phát triển và người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi.

Xây dựng văn hóa cạnh tranh trong hội nhập ảnh 1

TS.Nguyễn Minh Phong.

Để cạnh tranh thắng lợi, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ, tăng năng suất, giảm giá, khuyến mãi, quảng cáo, đa dạng hóa mẫu mã, cải thiện chất lượng, tiện ích và dịch vụ hậu mãi, xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường; nhận diện và vượt qua các rào cản kỹ thuật cả trong nước và nước ngoài; nâng tầm tiêu chuẩn doanh nghiệp theo các quy chuẩn quốc gia, vì lợi ích người tiêu dùng và bảo vệ môi trường; tăng cường phân công và hợp tác, tập hợp trong các hiệp hội ngành nghề để cộng hưởng sức mạnh cộng đồng trong cạnh tranh với các doanh nghiệp và hàng hóa ngoại cả trên thị trường trong nước và nước ngoài…

Doanh nghiệp không thể cạnh tranh, gạt bớt đối thủ, độc quyền chiếm lĩnh thị trường bằng việc lợi dụng mạng xã hội, diễn đàn, website… để tung tin thất thiệt, tin đồn về các vấn đề nhạy cảm như phương thức kinh doanh, tổ chức nhân sự, chất lượng sản phẩm, khuyết tật đời tư cá nhân của các nhân vật chủ chốt trong đơn vị, doanh nghiệp, hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, hàng nhái; buôn lậu, trốn thuế và các thủ đoạn “bẩn” khác...

Cách cạnh tranh bằng việc gây thiệt hại cho doanh nghiệp đối thủ hoặc môi trường và cắt xén về quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và cả uy tín quốc gia cần phải được loại bỏ trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh; nhận diện và xử lý nghiêm khắc các hành vi phản cạnh tranh lành mạnh là đòi hỏi hiện hữu của công luận để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn trong thời kỳ hội nhập.

Với tinh thần đó, mọi doanh nghiệp cần tự giác tuân thủ pháp luật, tôn trọng người tiêu dùng, chấp nhận và tôn trọng sự cạnh tranh lành mạnh từ đối thủ trong văn hóa kinh doanh của mình; chủ động kịch bản và những biện pháp hữu hiệu để chống lại hình thức cạnh tranh không lành mạnh, nhất là các cuộc khủng hoảng truyền thông.

Người tiêu dùng cần trở thành người tiêu dùng thông thái, không nhẹ dạ cả tin hoặc đưa tin chưa kiểm chứng, a dua theo tâm lý đám đông. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, tăng cường và cụ thể hóa các dấu hiệu nhận diện và các chế tài xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

TS.Nguyễn Minh Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục