Doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập

Đó là khẳng định của Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế về phương hướng công tác trong thời gian tới về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị Toàn cảnh Hội nghị

Sáng 23/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững” nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Ban chỉ đạo.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước theo dõi lĩnh vực đối ngoại; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.

Ngoài ra, đại diện một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng sẽ tham dự Hội nghị.

 Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm Đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. (Ảnh: VGP)

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế, trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh, phức tạp, tác động sâu rộng đến công tác hội nhập quốc tế của nước ta, tạo ra những thời cơ, thách thức đan xen.

Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó hội nhập kinh tếquốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác. Công tác hội nhập quốc tế trong 5 năm qua đã thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Về hội nhập chính trị, an ninh, quốc phòng, Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc hơn mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện của Việt Nam, qua đó tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả cho phát triển, nâng cao thế đứng và năng lực an ninh, quốc phòng của đất nước; Chủ động phát huy vai trò của đối ngoại đa phương, đẩy mạnh hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.

5 năm qua, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với các đối tác quan trọng, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tích cực, đến hết năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD.

Đồng thời, hợp tác an ninh, quốc phòng có những phát triển tích cực, góp phần nâng cao tiềm lực an ninh, quốc phòng, xây dựng và củng cố lòng tin với các đối tác.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do đã đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục được thúc đẩy.

Ngoài ra, các hoạt động hội nhập quốc tế trong tổ chức, diễn đàn và khu vực thương mại tự do được triển khai tích cực, hiệu quả, có thể kể đến như xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, hợp tác đa phương của WTO, hợp tác APEC…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng triển khai tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công  nghệ và giáo dục đào tạo cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Về phương hướng công tác trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế đánh giá năm 2019 là năm “nước rút” Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Đây cũng là năm Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn mới phải hoàn tất các cam kết trong 12 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có CPTPP.

Ban Chỉ đạo đánh giá, trong môi trường quốc tế chuyển biến sâu rộng, phức tạp, đan xen giữa cơ hội và thách thức, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, quyết tâm tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII.

Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các FTA mới có hiệu lực, thúc đẩy phê chuẩn và thực thi các FTA đã hoàn tất, tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập, thúc đẩy hợp tác, kết nối, tăng cường vị thế của Việt Nam tại các cơ chế khu vực, toàn cầu quan trọng.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục