Xây dựng dữ liệu chung bảo hiểm, nên luật hóa

(ĐTCK) Sau khi đăng tải bài viết “Bảo hiểm chậm chân hơn ngân hàng 20 năm về cơ sở dữ liệu", Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được không ít ý kiến cho biết, đây là vấn đề cần luật hóa, chứ khó hy vọng sự tự nguyện của các công ty. 
Xây dựng dữ liệu chung bảo hiểm, nên luật hóa

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ, chuyện tập trung xây dựng thông tin sức khỏe của khách hàng - MIB (Medical Information Bureau) đã có từ đầu thế kỷ 20 tại Mỹ. Một số quốc gia như Malaysia, Singapore,… cũng đã có. Việt Nam chưa có vì không ai đứng ra làm, nguồn đầu tư không có thì chỉ biết “đứng nhìn”.

“Các công ty bảo hiểm và các nhà tái bảo hiểm rất cần kho dữ liệu này. Muốn làm thì phải nỗ lực chung tay. Chuyện chia sẻ thông tin của khách hàng là rất cần nhằm tránh trục lợi bảo hiểm”, bà Mai cho biết và chia sẻ thêm một câu chuyện mới xảy ra: “Phải 2 công ty bảo hiểm hợp lực mới 'phá án' được vụ việc một nhân vật chuyên tìm kiếm các bệnh nhân bệnh hiểm nghèo, liên kết với đại lý bảo hiểm để mua số tiền bảo hiểm lớn. Sau khi bệnh nhân tử vong, người này lấy gần hết số tiền bảo hiểm lớn kia và chỉ chia cho mỗi người nhà người được bảo hiểm 10 triệu đồng”.

“Chuyện thị trường bảo hiểm Việt Nam phức tạp lắm, thiếu kinh nghiệm và không có kho dữ liệu sẽ rất mệt”, bà Mai bộc bạch và cho biết thêm, sẽ khó làm MIB nếu không có các công ty tái bảo hiểm đầu tư và giúp sức.

Cũng theo bà Mai, tại 1 số nước, việc đầu tư MIB thì phải cần các tổ chức lớn hay hiệp hội bảo hiểm mới đủ tư cách và năng lực.

Để tạo nguồn tài chính cập nhật dữ liệu, mỗi công ty phải trả phí để thu thập thông tin mình cần. Tại Malaysia, vào năm 1998, các công ty bảo hiểm phải trả 80 RM mỗi lần tìm thông tin.

Còn theo ông Lưu Hùng Kiên, Tổng giám đốc Moncover Việt Nam, để xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn ngành, cơ quan quản lý là Cục Quản lý  giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nên xây dựng chiến lược công nghệ thông tin chung cho toàn ngành để các doanh nghiệp bảo hiểm noi theo, định hướng phát triển. Nếu chưa có những hướng dẫn mang tính “nền tảng” thì bản thân các công ty bảo hiểm cũng chỉ “mạnh ai nấy làm” và rất khó tự nguyện hợp tác.

“Một CIC của ngành bảo hiểm cũng không khó với ngân sách từ công ty bảo hiểm hay từ hiệp hội bảo hiểm”, ông Kiên nói.

Góp ý yêu cầu cần có cơ sở dữ liệu chung mà Báo Đầu tư Chứng khoán đưa ra, hầu hết quan điểm chia sẻ đều tỏ rõ sự ủng hộ về một hệ thống dữ liệu thông tin chung.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc này là chưa thể làm ngay vì phải luật hóa mới nên thực hiện, bởi trong thông tin ngành bảo hiểm có thông tin nhạy cảm là “sức khỏe khách hàng”, nếu không có hành lang pháp lý, việc sử dụng thông tin này một cách thiếu kiểm soát sẽ tạo nhiều hệ lụy.

“MIB có lợi lớn là thống kê dữ liệu, không chỉ chống trục lợi, mà còn đóng góp ngược lại cho chính ngành y phục vụ công tác khám chữa bệnh, nhưng phải có luật để giới hạn sự lạm dụng của các công ty bảo hiểm”, giám đốc một công ty chuyên hỗ trợ pháp lý bảo hiểm bộc bạch.

Cũng theo vị này, chuyện xây dựng trung tâm dữ liệu chung của toàn ngành được bàn đến từ lâu, chứ không phải bây giờ, lúc Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 ra đời đã thấy thiếu chỗ này.

Nhưng tại thời điểm đó, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước lo ngại nhiều, đơn cử như việc lo thị trường mới mở cửa mà đưa thông tin lên thì các công ty bảo hiểm ngoại tại Việt Nam hiểu “ruột gan” mình hết, nên thôi!

“Nếu dữ liệu của ngân hàng chủ yếu là lịch sử tín dụng, thì dữ liệu của bảo hiểm khá phực tạp, từ khả năng tài chính, thông tin sức khỏe, đến thông tin về gia đình, thân nhân… Do đó, nếu bổ sung nội dung về dữ liệu thì Luật cần quy định rõ thông tin nào được chia sẻ, thông tin nào không”, vị lãnh đạo này cho biết.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục